Skip to main content

Khi Thiên Chúa xem ra xa vắng

Khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi nhưng vẫn tiếp tục tin cậy vào Chúa, bất chấp những u buồn, ấy là bạn đang thờ phượng Ngài cách sâu thẳm nhất.
Khi Thiên Chúa xem ra xa vắng
Khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi nhưng vẫn tiếp tục tin cậy vào Chúa, bất chấp những u buồn, ấy là bạn đang thờ phượng Ngài cách sâu thẳm nhất.

“Tôi mong đợi Đức Chúa,
Đấng ẩn mặt không nhìn nhà Giacóp,
tôi trông cậy vào Ngài”
(Is 8, 17).

Thiên Chúa có thật, không thành vấn đề bạn nghĩ thế nào.

Thật dễ để thờ phượng Thiên Chúa khi mọi chuyện êm xuôi trong cuộc đời bạn - khi Ngài cho bạn của ăn, bạn bè, gia đình, sức khoẻ và hạnh phúc. Nhưng đời đâu phải luôn mang sắc hồng. Những lúc ấy bạn sẽ thờ phượng Thiên Chúa thế nào? Bạn sẽ làm gì khi xem ra nghìn trùng xa cách, Ngài đã đi rồi?

Mức độ sâu sắc nhất của thờ phượng là ngợi khen Thiên Chúa bất chấp nỗi đau, tạ ơn Ngài trong thử thách, tin cậy Ngài khi bị cám dỗ, phó dâng cho Ngài đang khi khốn khổ, và yêu mến Ngài khi Ngài xem ra xa vắng.

Tình bạn thường được thử thách bởi sự phân cách và im lặng; bạn bị chia cắt bởi khoảng cách vật lý hoặc bạn không thể nói chuyện với người kia. Cũng vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, bạn sẽ không luôn luôn cảm thấy Ngài gần gũi. Philip Yancey nhận xét cách khôn khéo, “Bất cứ một mối tương giao nào cũng bao gồm cả gần gũi lẫn xa cách. Với Thiên Chúa cũng thế, không thành vấn đề mật thiết làm sao, quả lắc vẫn sẽ đong đưa từ bên này qua bên kia”.11 Đó là lúc thờ phượng trở nên khó khăn.

Để bạn trưởng thành trong tình bạn với Ngài, Thiên Chúa cũng sẽ thử thách bạn với những khoảng thời gian xem ra xa vắng - những lúc tưởng chừng như Ngài bỏ rơi hay lãng quên bạn, khi Ngài dường như ở xa bạn vạn dặm. Thánh Gioan Thánh Giá gọi những ngày khô hạn thiêng liêng, nghi ngờ, và xa lạ đối với Thiên Chúa như là những “đêm tối của linh hồn”. Henry Nouwen gọi chúng là “sứ vụ của sự trống vắng”. A. W. Tozer gọi chúng là “sứ vụ của đêm tối”. Những người khác thì gọi chúng là “mùa đông của tâm hồn”.

Ngoài Đức Giêsu, có lẽ Đavít là người bạn khắn khít với Thiên Chúa hơn ai hết, Ngài gọi ông là “một người làm đẹp lòng Ta”. Vậy mà không ít lần Đavít cũng đã kêu trách Thiên Chúa sao Ngài cứ vắng mặt: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa,

ngày khốn quẫn, sao Ngài đành ẩn mặt?” (Tv 10, 1). “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Tv 22, 1). “Chính Ngài là Thiên Chúa bảo vệ con, sao Ngài đành xua đuổi? Sao con phải lang thang tiều tuỵ, bị quân thù áp bức mãi không thôi?” (Tv 43, 2).

KHI THIÊN CHÚA XEM RA XA VẮNG
Dĩ nhiên, Thiên Chúa thật sự không rời Đavít và Ngài cũng không rời xa bạn. Ngài đã hứa nhiều lần, “Ta sẽ không bao giờ rời xa con, cũng không bỏ rơi con” (x Tv 37, 28; Ga 14, 16-18; Dt 13, 5). Nhưng Thiên Chúa chưa bao giờ hứa “con sẽ luôn luôn cảm thấy sự hiện diện của Ta”. Quả vậy, Thiên Chúa thừa nhận, một đôi khi Ngài ẩn mặt với chúng ta (Is 45, 15). Trong đời bạn, có những lúc xem ra Ngài biệt vô âm tín.

Floyd McClung mô tả: “Một mai thức dậy, mọi tâm tình đạo đức tan bay. Bạn cầu nguyện, không gì xảy ra. Bạn quở trách ma quỷ, không gì thay đổi. Bạn đi linh thao… bạn xin người khác cầu nguyện… bạn xưng mọi tội mà bạn có thể tưởng tượng ra, rồi bạn rảo quanh xin lỗi những người quen biết. Bạn ăn chay… vẫn không gì xảy ra. Bạn bắt đầu lo lắng liệu những ngày tăm tối thiêng liêng này sẽ kéo dài đến bao giờ. Nhiều ngày? Nhiều tuần? Nhiều tháng? Hay nó không bao giờ chấm dứt?… tưởng chừng như những lời cầu nguyện của bạn dội xuống từ trần nhà. Trong nỗi thất vọng cùng cực, bạn kêu lên, ‘Chuyện gì xảy đến cho tôi?’”.

Thiên Chúa thừa nhận,
một đôi khi Ngài ẩn mặt với chúng ta.

Sự thật là không có gì trục trặc với bạn! Đây là một mảng thường tình trong quá trình thử thách và làm triển nở mối thân tình của bạn với Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu đều trải qua ít nhất một lần trong đời và thường là vài lần. Nó thật đớn đau và gây bối rối. Nhưng nó tuyệt đối cần thiết cho sự trưởng thành đức tin của bạn. Việc biết được điều này đã đem lại niềm hy vọng cho Gióp khi ông không cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình. Ông nói, “Này có sang Đông, tôi sẽ chẳng thấy Ngài, đi sang Đoài, cũng không gặp được. Tôi lên Bắc để tìm Ngài, cũng không thấy, có xuống Nam, Ngài vẫn biệt tăm. Quả thật, con đường tôi đi, Ngài đã biết, Ngài có đem tôi thử trong lò, tôi sẽ nên như vàng tinh luyện” (G 23, 8-10).

Khi Thiên Chúa xem ra xa vắng, có thể bạn cảm thấy Ngài giận hờn bạn hay trừng phạt bạn vì một vài tội lỗi nào đó. Quả vậy, chính tội lỗi chia cắt chúng ta khỏi tình bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa. Chúng ta làm phiền lòng Thánh Thần của Ngài và làm nguội lạnh tình thân với Ngài bằng sự bất tuân, xung đột với người khác, quá bận rộn, làm bạn với thế gian và các thứ tội khác.

Nhưng thường thì cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi và xa lạ với Ngài không liên quan gì đến tội. Đó là sự thử thách của lòng tin - mỗi người đều phải đối mặt: Vậy bạn sẽ tiếp tục yêu mến, tin tưởng, vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa cả khi không cảm nhận sự hiện diện của Ngài hay không cảm nhận bằng chứng hiển nhiên về những việc Ngài làm trong đời bạn?

Một sai lầm phổ biến nhất mà các Kitô hữu hôm nay mắc phải trong việc thờ phượng là họ đi tìm một cảm nghiệm hơn là đi tìm Thiên Chúa. Họ tìm cảm giác, và nếu điều này xảy ra, họ kết luận là họ đã thờ phượng. Thật sai lầm! Sự thực, Thiên Chúa thường cất đi những cảm xúc để chúng ta không lệ thuộc vào đó. Tìm kiếm cảm xúc, ngay cả cảm xúc gần gũi với Đức Kitô, cũng không phải là cầu nguyện.

Một sai lầm phổ biến nhất
mà các Kitô hữu hôm nay mắc phải
trong việc thờ phượng
là họ đi tìm một cảm nghiệm
hơn là đi tìm Thiên Chúa.

Khi bạn còn là một Kitô hữu bé bỏng, Thiên Chúa cho bạn nhiều tâm tình xác tín và Ngài cũng thường đáp trả những lời cầu nguyện thiếu trưởng thành và quy về mình nhất - để bạn tin Ngài hiện hữu. Một khi bạn đã lớn lên trong đức tin, Ngài sẽ tước bạn khỏi những lệ thuộc này.

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và việc biểu lộ sự hiện diện của Ngài là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một bên là sự kiện; bên kia thường là cảm giác. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện cả khi bạn không nhận ra Ngài và sự hiện diện của Ngài thì quá thẳm sâu đến độ khó có thể cân đo bằng những cảm xúc thuần tuý.

Vâng, Ngài muốn bạn cảm nhận sự hiện diện của Ngài.

Nhưng Ngài quan tâm đến việc bạn tin Ngài hơn là cảm nhận được Ngài. Đức tin sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải những cảm xúc. Những hoàn cảnh giằng co đức tin bạn nhất sẽ là những thời khắc khi mà cuộc đời bạn bị xé từng mảnh và Thiên Chúa thì vắng mặt. Điều này đã xảy đến với Gióp. Chỉ vỏn vẹn một ngày, Gióp mất mọi sự - gia đình, công việc, sức khoẻ, và tất cả những gì ông có. Điều dễ làm ngã lòng nhất là - suốt ba mươi bảy chương, Thiên Chúa không hề hé môi!

Làm sao bạn có thể ngợi khen khi không hiểu những gì đang xảy đến cho mình và Thiên Chúa thì câm nín? Làm sao bạn có thể giữ vững mối tương giao trong cơn khủng hoảng khi không nghe và cũng không nói được một lời? Làm sao bạn vẫn nhìn lên Đức Giêsu khi lệ tràn mi? Bạn hãy làm những gì Gióp đã làm: “Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: ‘Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!’” (G 1, 20-21).

Hãy nói với Thiên Chúa đúng như lòng mình. Hãy trút lòng bạn cho Thiên Chúa. Hãy đổ cho Ngài mọi tâm tư. Gióp đã làm như thế khi ông nói, “Chính vì thế, con sẽ không ngậm miệng, con sẽ nói ra khi tâm thần sầu não, sẽ than thở lúc con tim cay đắng” (G 7, 11). Ông đã tiếc xót kêu lên khi Thiên Chúa dường như xa cách: “Như những ngày mùa thu thịnh vượng khi Thiên Chúa bảo vệ lều tôi ở” (G 29, 4). Thiên Chúa có thể gỡ rối những nghi ngờ, giận dữ, sợ hãi, tiếc xót, tăm tối và những vấn nạn của bạn.

Bạn có biết, thừa nhận nỗi vô vọng của mình trước mặt Thiên Chúa cũng có thể là một lời tuyên xưng đức tin không? Tín thác vào Chúa nhưng cùng lúc vẫn cảm thấy thất vọng, Đavít đã viết, “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: ‘Ôi nhục nhã ê chề!’” (Tv 116, 10). Điều này nghe thật mâu thuẫn: Tôi tin Thiên Chúa nhưng tôi thật chán ngán! Thực ra, sự thẳng thắn của Đavít biểu lộ một lòng tin sâu sắc: Thứ nhất, ông tin Thiên Chúa. Thứ hai, ông tin Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời ông nguyện cầu. Thứ ba, ông tin Thiên Chúa sẽ để cho ông nói những gì ông cảm thấy và Ngài vẫn yêu thương ông.

Chăm chú vào Thiên Chúa là ai, bản tính Ngài không bao giờ thay đổi. Bất luận hoàn cảnh thế nào, và bạn cảm thấy làm sao, hãy bám chặt vào bản tính không bao giờ đổi thay của Thiên Chúa. Hãy nhủ lòng mình với những gì bạn biết là luôn luôn đúng nơi Ngài: Ngài là Đấng nhân lành, Ngài yêu thương tôi, Ngài ở với tôi, Ngài biết tôi đang trải qua những gì, Ngài săn sóc tôi, và Ngài có một dự định tốt lành cho cuộc đời tôi. V. Raymond Edman nói, “Trong bóng tối, đừng bao giờ nghi hoặc những gì Thiên Chúa đã nói với bạn trong ánh sáng”.

Khi cuộc đời Gióp đổ vỡ và Thiên Chúa thì lặng im, ông vẫn tìm ra những lý do để có thể ngợi khen Ngài:

  • _ Vì Ngài nhân lành và yêu thương (G 10, 12).
  • _ Vì Ngài toàn năng (G 42, 2; 37, 5; 37, 23).
  • _ Vì Ngài quan tâm đến mọi chi tiết đời tôi (G 23, 10a; 31, 4).
  • _ Vì Ngài đang điều khiển (G 34, 13).
  • _ Vì Ngài có một dự định cho cuộc đời tôi (G 23, 14).
  • _ Vì Ngài sẽ cứu tôi (G 19, 25).

Tin rằng Thiên Chúa luôn giữ lời hứa. Suốt thời gian khô hạn thiêng liêng, bạn phải nhẫn nại tựa nương vào những lời hứa của Chúa, chứ không nương tựa trên những tình cảm của mình; đồng thời hãy ý thức Ngài đang dẫn bạn đi vào cấp độ sâu thẳm hơn của trưởng thành. Bởi lẽ, một tình bạn xây dựng trên cảm tính thì thật nông cạn.

Vì thế, đừng để rối tung bởi sự rối rắm. Hoàn cảnh đâu có thể thay đổi bản tính của Thiên Chúa. Ân sủng của Ngài vẫn luôn mạnh mẽ đầy tràn; Ngài vẫn đang có đó cho bạn, cả khi bạn không cảm thấy. Trong những hoàn cảnh tăm tối, Gióp vẫn bám chặt vào Lời của Ngài. Ông nói, “Lệnh môi Ngài truyền, tôi chẳng lìa xa; lời miệng Ngài phán, lòng tôi luôn ấp ủ” (G 23, 12).

Niềm tin vào Lời Thiên Chúa làm cho Gióp mãi vững tin dẫu không còn gì có ý nghĩa. Đức tin của ông vẫn can trường ngay giữa đau thương: “Ngài có thể giết tôi, tôi chẳng còn gì để hy vọng, nhưng trước nhan Ngài, cách sống của tôi, tôi phải biện hộ” (G 13, 15).

Khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi nhưng
vẫn tiếp tục tin cậy vào Chúa,
bất chấp những u buồn, ấy là bạn đang thờ
phượng Ngài cách sâu thẳm nhất.

Hãy nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho bạn. Nếu Thiên Chúa chưa từng làm cho bạn một điều gì khác, Ngài vẫn đáng nhận lời ngợi khen liên lỉ suốt đời còn lại của bạn về những gì Đức Kitô đã làm cho bạn trên cây thập giá. Con Thiên Chúa đã chết cho bạn! Đây là lý do lớn nhất để thờ phượng. Khi bạn cảm thấy bị bỏ rơi nhưng vẫn tiếp tục tin cậy vào Chúa, bất chấp những gì bạn cảm nhận, ấy là bạn đang thờ phượng Ngài cách sâu thẳm nhất.

Thật đáng buồn, chúng ta thường quên những chi tiết rùng rợn của lễ hy tế mà Thiên Chúa đã làm thay cho chúng ta. Quen thuộc sinh ra thờ ơ. Trước khi chịu đóng đinh, Con Thiên Chúa đã bị lột trần, bị đánh đập đến nỗi người ta không còn nhận ra Ngài, chịu đòn vọt, nhiếc mắng và nhạo báng, chịu đội mão gai và khạc nhổ khinh khi. Bị lăng mạ và nên trò cười bởi những kẻ vô tâm, Ngài bị đối xử tàn tệ hơn một con vật.

Rồi, khi gần như bất tỉnh vì mất máu, Ngài bị buộc phải vác cây thập giá lên một ngọn đồi để chịu đóng đinh trên giá gỗ đó, và bị bỏ mặc cho đến chết, một cái chết gia hình tủi nhục chậm chạp trên thập giá. Đang khi máu sống của Ngài chảy ra, những kẻ chất vấn đứng kề bên la lên những lời lộng ngôn phạm thượng, diễu cợt trước sự đau đớn và thách thức lời Ngài tuyên bố Ngài là Thiên Chúa.

Sau đó, khi Đức Giêsu đã mang lấy tất cả tội lỗi của nhân loại vào thân mình, Thiên Chúa lại quay mặt khỏi cảnh tượng rùng rợn ấy, để Ngài phải kêu lớn tiếng trong tuyệt vọng tột cùng: “Lạy Thiên Chúa tôi, Thiên Chúa tôi, sao Ngài nỡ bỏ con?”. Đức Giêsu có thể tự cứu mình - nhưng như thế thì Ngài không thể cứu bạn.

Không ngôn từ nào có thể mô tả được cái tăm tối của giờ phút đó. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép và có thể chịu được sự đối xử bội bạc hãi hùng và kinh khiếp đến thế? Tại sao như vậy? Vậy thì, bạn cũng có thể được tha khỏi cảnh đời đời trong hoả ngục và bạn cũng có thể được chung phần trong vinh quang của Ngài đời đời. Thánh Phaolô nói, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2Cr 5, 21).

Đức Giêsu đã từ bỏ mọi sự để bạn có được mọi sự. Ngài đã chết để bạn có thể sống muôn đời. Chỉ ngần ấy thôi cũng đáng cho bạn tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Vậy, đừng bao giờ thắc mắc là bạn phải tạ ơn về điều gì!

NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI

  • Một điểm để suy tư: Thiên Chúa có thật, không thành vấn đề tôi nghĩ thế nào.
  • Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Vì Thiên Chúa đã phán: ‘Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!’” (Dt 13, 5b).
  • Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Làm sao tôi có thể ý thức luôn mãi sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt khi tôi cảm thấy Ngài xa cách?

Tác giả Minh Anh gp Huế, Lm.
Nguồn: http://www.dunglac.org