Skip to main content

Trong đạo

Nỗi đau khổ của cha vì đứa con thứ bỏ nhà đi chưa chắc đã nặng hơn nỗi khổ tâm do sự có mặt của người con trưởng. Biết đâu kẻ ra đi có nhớ, có thương.
Trong đạo
Câu chuyện người con hoang đàng trong Phúc Âm Luca cho ta thấy cần suy nghĩ nhiều về những người con "không" hoang đàng.

Chuyện kể về người cha có hai đứa con, đứa con thứ ra đi sống trác táng phá tan cả sản nghiệp. Ta kết tội nó là đứa con hoang đàng. Còn người con trưởng ở lại thì sao? Nó không bỏ nhà đi hoang, như thế là một mẫu mực rồi chăng?

Người cha lạc lõng


Người cha chỉ có hai đứa con. Khi con thứ bỏ nhà ra đi, ông còn lại người con trưởng. Trong câu chuyện ta không thấy nhân vật con trưởng này xuất hiện trong cuộc đời liên hệ với cha nó, không thấy liên hệ với em nó. Mãi đến cuối câu chuyện mới thấy xuất hiện, sự xuất hiện này là một bùng nổ đã âm ỉ từ lâu, nó chống lại cha nó và em nó.

Thật ra, người cha mất cả hai đứa con chứ không phải một. Ðứa con thứ bỏ nhà đi. Ðứa con trưởng ở lại nhưng không sống với thái độ là con. Nó đã rõ ràng xác nhận như thế: "Tôi làm tôi cho ông" (Lc. 15: 29).

Lạc lõng không phải là một mình mà là không gặp cái mình tìm. Cái mình không cần mà vẫn có thì là dư, bởi thế, lạc lõng là đi giữa đoàn người mà vẫn thấy vắng, đi giữa cuộc đời mà cứ lẻ loi. Người cha có hai nỗi khổ tâm. Khổ tâm thứ nhất là vắng mặt của người con thứ. Khổ tâm thứ hai là có mặt mà như là thừa của người con trưởng.

Vắng mặt một người là mất mát, nhưng có nhớ. Nhớ và thương làm giây liên hệ tình cảm gần lại. Vắng mặt nên ta có nhiều chân trời tưởng tượng để sống với những cảm tình ấp ủ, với hy vọng. Do đó, có thể niềm an ủi của đau khổ vì mất mát là không đau khổ bằng có mặt mà thừa. Nếu có mặt mà thừa thì không còn chân trời nào để thoát nữa. Thực tế là phũ phàng phải đối diện mặt gặp mặt. Bởi đó, có mặt mà thừa thì dằn vặt hơn là vắng mặt mà nhớ.

Vào vị thế của người cha trong câu chuyện, Ðức Kitô mang cả hai tâm trạng đau khổ. Ðau khổ vì một đứa ra đi và khổ đau vì đứa ở lại trong nhà nhưng cõi lòng vẫn là cách xa.

Một cõi lòng xa cách


Xét về bản văn thì phần nói về người con trưởng cũng dài gần một nửa. Chiếm khá nhiều lời, bởi đó, ta có thể lưu tâm, tìm hiểu thái độ người con trưởng dựa vào trình thuật này.

Thái độ đối với cha: Ở trong nhà cha, nhưng anh ta sợ cha và vâng phục trong thái độ của kẻ làm tôi tớ. "Ðã bao năm trời tôi làm tôi ông." Như thế gần cha mà vẫn xa. Mỗi lần bỏ lễ Chúa Nhật, tôi bối rối vì tội. Nếu bối rối này đến vì sợ Chúa phạt chứ không phải tiếc nuối đến từ lòng mến thì Chúa chưa phải là cha. Ðôi khi nhìn vào lề luật, đã chẳng có những lúc thầm nghĩ: "Giả sử mình không có đạo thì đỡ hơn, bây giờ lỡ biết Chúa rồi không dám bỏ." Nếu đời sống đạo của tôi là thế thì tôi phải xin Chúa cho tôi gặp gỡ Ngài vì tôi ở trong nhà Ngài nhưng rất xa Ngài.

Thái độ với tha nhân. Anh ta gọi đứa em của mình là "thằng con của ông" (Lc. 15: 30). Anh ta gạt nó ra khỏi tình nghĩa liên hệ với mình. Làm sao trong Giáo Hội mà tôi có thể tách rời khỏi tha nhân. Khi hai xứ đạo bên cạnh nhau mà một xứ xây nhà thờ nguy nga, một xứ nghèo nàn. Lý luận thông thường là tuỳ ngoại giao của cha xứ, nếu ngài quen biết nhiều thì có nhiều tiền. Dĩ nhiên không thể có sự phân chia đồng đều tuyệt đối, nhưng cứ nhìn vào thực trạng, ta có nhiều dấu chỉ phải suy nghĩ về những mối liên hệ trong cộng đồng nhân loại và Giáo Hội.

* * *

Trong đạo
Chúa Kitô đợi chờ những tấm lòng thao thức của con cái trong nhà đối với công việc của Người. Người làm công thì không thao thức, và họ chẳng có bổn phận phải thao thức. Tôi nghĩ, một phần vì nền giáo lý lúc còn trẻ, ta không được dạy cho ý thức sâu sa sự thao thức về Giáo Hội. Bởi đó, công việc truyền giáo, người giáo dân Việt Nam không đặt vấn đề suy niệm là bao. Ít khi ta băn khoăn nhìn một ngày mới và hỏi lòng, tôi sẽ làm gì cho Giáo Hội. Ít khi chiều về ta đặt thao thức Giáo Hội của tôi hôm nay thế nào. Có khi nào tôi cảm thấy niềm đau chung với Giáo Hội và hân hoan niềm vui với Giáo Hội không. Sự ít ý thức đó cũng là nguyên nhân phần nào đưa đến cạnh tranh nhau trong công việc tông đồ. Việc tông đồ của mình phải thành công hơn người khác, thậm chí có khi còn hạ người khác xuống. Ngày nào tôi không nghĩ tới Giáo Hội, ngày đó tôi chỉ là khách trọ trong Giáo Hội, hoặc là người làm công mà thôi. Giáo Hội đã bị giáo dục như là một cơ chế quyền bính hơn là nhà của tôi.

* * *

Tôi nghĩ thái độ làm công trong nhà của người con trưởng là đề tài rất quan trọng. Tại sao?

Ta hãy nhìn lại đoạn văn tả về thái độ "làm tôi tớ trong nhà" của người con trưởng với đoạn văn mà người con thứ nói với cha nó khi nó trở về. Trong các lớp Kinh Thánh, khi tôi đặt câu hỏi: Sau những ngày hoang đàng trở về, người con thứ thưa với cha mình như thế nào? Hầu hết các bạn đã trả lời thế này:

"Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với trời và trước mặt cha con không còn đáng gọi là con cha nữa. Xin xử với con như một người làm công của cha thôi" (Lc. 15: 18-19).

Câu trả lời này sai. Ðiều đáng buồn là có người đọc, nghe đoạn Tin Mừng này nhiều lần rồi mà không không biết sai ở chỗ nào. Câu trên đây là dự tính sẽ nói của nó khi nó còn đang phải chăn heo. Nó suy tính phải nói gì đây khi về gặp cha. Và nó đã sáng tác ra câu này. Ðộng lực thúc đẩy nó về là vì đói. Thánh Luca kể rằng "nó hồi tâm lại thấy biết bao người làm công có dư thừa bánh ăn mà nó phải chết đói ở đây. Thôi dậy, tôi về cùng cha tôi" (Lc. 15: 17-18). Vì thế, nó xin cha xử với nó như một người làm công. Ðối với nó câu này mang nhiều ý nghĩa.

Nhưng thật tuyệt vời là câu này lại bị người cha gạt bỏ. Ðối với nó, câu này là sống còn, phải xin cho bằng được làm công. Nếu không, lấy gì mà ăn. Khi gặp cha, nó lặp lại y chang những gì nó đã suy tính lúc còn chăn heo. Nhưng nó vừa nói tới câu "con không còn đáng gọi là con cha nữa", thì cha nó cắt ngang. Ông vội nói với gia nhân: "Mau mau đem áo thượng hạng mà mặc cho nó" (Lc. 15: 21-22). Như vậy là lúc nó thực sự nói với cha thì không có câu "xin xử với con như một người làm công."

Cái ý nhị và sâu thẳm trong đoạn văn, cái tinh tế trong lối viết của Luca là đó. Chúa không muốn nghe ta xin làm tôi tớ trong nhà. Dù có lỗi phạm, ta vẫn là con. Dù có phiêu bạt chân trời nào thì Chúa vẫn là cha. Chúa không đổi bản tính làm con xuống hạng tôi tớ. Im lặng mà lung linh tuyệt vời khi dừng chân nhìn vào ý nghĩa của đoạn văn ấy.

* * *

Nhìn thế, ta thấy đoạn văn đó liên hệ chặt chẽ với lời tự thú của người con trưởng: "Ðã bao năm tôi làm tôi ông." Lời này đã bị cha dìm đi, ông không muốn nghe, ông gạt đi khỏi miệng người con thứ, thì nó lại được người con trưởng công bố. Người cha không muốn nghe người con thứ trở về nhà mà xin làm tôi tớ, hẳn ông khổ tâm thế nào khi người con trưởng xử sự với ông như chủ ông và gia nhân. Ðặt hình ảnh người con trưởng liên hệ trong toàn mạch câu chuyện ta thấy rõ hơn chiều sâu trong lối hành văn và nền thần học của Luca, và cái ý nhị của nền tu đức nữa là ta phải đặt một chiều sâu suy niệm với hình ảnh người con trưởng "không đi hoang" cần trở về như thế nào.

* * *

Lạy Chúa,
so sánh mình với người khác có khi con thấy người khác cần trở về hơn con. Dấu chỉ con không cần trở về là con còn trong Giáo Hội, còn đi lễ, còn giữ các giới răn, có khi còn giữ chức vụ này nọ trong Giáo Hội. Không biết những lề thói con giữ đó có bảo đảm cho con rằng con gần Chúa không hay chỉ là tâm tình nô lệ. Biết đâu sự trở về của kẻ ở nhà lại cấp bách hơn kẻ đi xa. Nỗi đau khổ của cha vì đứa con thứ bỏ nhà đi chưa chắc đã nặng hơn nỗi khổ tâm do sự có mặt của người con trưởng. Biết đâu kẻ ra đi có nhớ, có thương.

Ðau khổ của nhớ thương là đau khổ buông theo chiều gió. Ðau khổ của có mặt mà thừa là đau khổ không có gió mà buông.


Trích từ : CON BIẾT CON CẦN CHÚA
Tác giả Nguyễn Tầm Thường
https://vntaiwan.catholic.org.tw/btathuog/trongdao.htm

+ Mòn mỏi đợi trông
+ Lời nguyện của Mahatma Gandhi