Skip to main content

Tiếng Chúa (lễ Giêsu chịu phép rửa)

Người Kitô hữu có bổn phận làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng cuộc đời.
Tiếng Chúa (lễ Giêsu chịu phép rửa)
Toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu đã trở thành một lời tâm sự, giãi bày tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Chỉ với tiếng nói của Người Con yêu dấu ấy, chúng ta mới thấy được dung mạo đích thực của Thiên Chúa.

Tục ngữ Việt Nam có câu:
- Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Với câu tục ngữ trên, người xưa muốn bảo chúng ta rằng: qua giọng nói của người đối diện, chúng ta có thể đoán biết được phần nào tính tình của họ.

Cho dù nghe giọng nói mà bắt hình dong, nếu không được đúng trăm phần trăm, thì ít nữa cũng biết được rằng: lời nói là một kho tàng cao quí nhất của con người.

Đúng thế, lời nói là một phương tiện Chúa đã trao ban để chúng ta chia sẻ những ý nghĩ, những ước muốn, nhờ đó mà hiểu biết nhau hơn và xích lại gần nhau hơn. Vì thế, người xưa cũng đã khuyên:
- Lời nói chẳng mất tiền mua,
 Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Và chúng ta cũng có thể xác quyết:
- Người là một con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói.

Nhờ lời nói, chúng ta có thể diễn đạt được bản thân chúng ta cho người khác. Nhờ lời nói, chúng ta có thể bày tỏ cho người khác những ước vọng mình đang theo đuổi. Nhờ lời nói chúng ta không phải chỉ đạt tới những điều mình muốn diễn tả, mà hơn thế nữa còn đi vào con đường tương giao mật thiết, tạo được sự cảm thông với những người chung quanh.

Dù khoảng cách giữa người nói và kẻ nghe có là một đại dương bao la chăng nữa, thì người nói vẫn cảm thấy mình đang hiện diện một cách mật thiết với kẻ nghe.

Tiếng Chúa
Bằng cách thức ấy, Thiên Chúa cũng đã nói với mỗi người và với mọi người chúng ta. Tin mừng hôm nay kể lại rằng: Khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, thì trời mở ra và từ trời có tiếng phán:
- Này là con ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài.

Trong Cựu ước, chúng ta thấy có lần tiên tri Samuel cũng đã khao khát được nghe tiếng Chúa:
- Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe.

Còn chúng ta thì sao? Có lẽ đôi lúc chúng ta cũng đã nhủ thầm:
- Nếu Chúa thực sự hiện diện, thì xin hãy nói với con. Nếu Chúa thực sự yêu thương, thì xin hãy xuống khỏi trời cao để nhìn xem những gì đang xảy ra trong cõi nhân sinh.

Qua biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Giócđan, một nhịp cầu cảm thông nối liền trời với đất được được thiết lập: Trời mở ra và tiếng nói của Thiên Chúa đã vang vọng đến tai con người:
- Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài.

Thánh Phaolô trong bức thư gửi tín hữu Do Thái cũng đã xác quyết:
- Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con Một Ngài.

Như thế, toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu đã trở thành một lời tâm sự, giãi bày tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Chỉ với tiếng nói của Người Con yêu dấu ấy, chúng ta mới thấy được dung mạo đích thực của Thiên Chúa.

Đồng thời, nhờ bí tích Rửa tội, người Kitô hữu cũng đã lãnh nhận một sứ mệnh, đó là trở thành tiếng nói của Thiên Chúa vang lên cho người khác, bởi vì trong cuộc sống của mình, người Kitô hữu có bổn phận phải giới thiệu, phải trình bày khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

Nếu trời đã mở ra cho tiếng nói của Thiên Chúa được vang vọng đến con người khi Chúa Giêsu vừa bước lên khỏi nước, thì cũng vậy, qua bí tích Rửa tội, người Kitô hữu có bổn phận tiếp tục làm thế nào cho tiếng nói ấy được mọi người lắng nghe và chấp nhận. Người Kitô hữu có bổn phận làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng cuộc đời.

SƯU TẦM
http://www.tinmung.net

+ Bờ dậu trước ngõ
+ Con bọ cạp giữa dòng sông