Skip to main content

Bản chất con người là được cứu vớt

Hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta được mời gọi để nhìn người khác bằng chính cái nhìn của Chúa.
Bản chất con người là được cứu vớt
Hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta được mời gọi để nhìn người khác bằng chính cái nhìn của Chúa.

Một tín đồ Ấn Giáo xuống tắm ở dòng sông Hằng để thanh tẩy và cầu nguyện.

Ông đang ngụp lặn giữa dòng sông, thì bỗng đâu có rác rưởi tụ đến. Trong đống rác có con bọ cạp đang chao đảo, chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung, ông chìa tay ra để cứu vớt con vật. Cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật chích. Nhưng không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hăng, ông càng chịu đựng để cho nó chích liên tiếp, miễn là cứu sống được nó.

Có nhiều người theo dõi cảnh tượng đó mới trách ông:

- Ông thật là mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích thôi.

Người tín đồ điềm nhiên trả lời:

- Bản chất của bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt.

Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người, tốt và xấu, bạn và thù. Kẻ xấu là hạng người đáng phải xa lánh, kẻ thù thì phải ghét bỏ. Sự phân biệt ấy khiến xã hội chúng ta ra ngột ngạt khó thở.

Sống mà phải thanh trừng gạn lọc nhau, sống mà phải dòm trước ngó sau để đề phòng kẻ xấu, người thù; sống như thế quả thực không khác gì một thứ sống dở chết dở, bởi vì khi chúng ta loại bỏ người, thì cũng là lúc chúng ta tự giam hãm mình trong cô đơn sợ hãi.

Chúa Giêsu đã đến để đánh đổ óc biệt phái. Những kẻ bị xã hội cho là xấu xa, tội lỗi đã trở thành bạn hữu của Ngài. Ngài đã nhìn người bằng đôi mắt thông suốt và yêu thương, để chỉ thấy con người là hình ảnh cao quí của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào của thù hận và bạn, của xấu và tốt đều bị tháo gỡ. Trong cái nhìn ấy, mọi người đều có chung một danh xưng: "Tất cả đều là anh em của nhau".

Hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta được mời gọi để nhìn người khác bằng chính cái nhìn của Chúa. Giữa một xã hội luôn lấy sự phân biệt tốt, xấu, bạn, thù làm nguyên tắc sống, chúng ta cần thể hiện bản chất cứu sống của con người Ấn Giáo trong câu chuyện trên.

Dù người ta có lừa lọc, cắn xé, phản bội chúng ta, thì bàn tay chúng ta vẫn phải là bàn tay được chìa ra để giải hòa, san sẻ; và cái nhìn của chúng ta phải là cái nhìn của khoan dung tha thứ.

Trích trong: Truyện Vui Suy Niệm
http://vntaiwan.catholic.org.tw/truyenvui/truyen071.htm

+ Lạy Chúa! Tại sao ngài im lặng?
+ Hãy ca ngợi Chúa bằng cuộc sống hiện tại