Skip to main content

Thinh lặng: ý nghĩa hay vô nghĩa ?

Thinh lặng không chỉ đơn thuần là im lặng, không có tiếng ồn nhưng sâu xa hơn là một trạng thái nội tâm giúp ta tách khỏi những gì ngăn cản ta ý thức về chính bản thân mình
Thinh lặng: ý nghĩa hay vô nghĩa ?
Thinh lặng không chỉ đơn thuần là im lặng, không có tiếng ồn nhưng sâu xa hơn là một trạng thái nội tâm giúp ta tách khỏi những gì ngăn cản ta ý thức về chính bản thân mình.

Ngày nay người ta sợ thinh lặng, người ta chạy trốn thinh lặng bằng đủ mọi cách khác nhau vì nghĩ rằng thinh lặng là trống rỗng và vô nghĩa, là phí phạm thời giờ cách vô ích. Bởi vì chúng ta đã quá quen sống trong vòng quay liên tục, náo nhiệt của việc làm, của âm nhạc, của phim ảnh và mọi thứ âm thanh.

Trong thời đại mà tốc độ đóng một vai trò quyết định: xe có tốc độ càng nhanh càng tốt, internet phải có đường truyền siêu tốc, fast food ngày càng phổ biến… nói chung cái gì tiết kiệm được thời gian thì càng tốt. Đây quả là những điểm đáng khen ngợi vì giúp con người có thể thực hiện được nhiều công việc hơn, phục vụ tha nhân tốt hơn.

Tuy nhiên, mọi việc đều có tính hai mặt của nó: tích cực và tiêu cực, lợi và hại; nhưng có lúc người ta quá đề cao lợi mà quên đi hại, nhấn mạnh tích cực mà bỏ quên tiêu cực thì có nguy cơ dẫn đến phiến diện và trở nên khập khiễng. Cụ thể, mặt tiêu cực của việc sống nhanh, ăn vội, yêu gấp, làm liền là con người dễ căng thẳng, thiếu kiên nhẫn, hay nản chí, mong muốn mau chóng đạt thành công và đó là nguy cơ đánh mất chính mình.

Quả thật, người ta không còn thời giờ để suy nghĩ về những việc mình đã và đang làm có ý nghĩa gì. Phải thành thật mà nói, xét ở một phương diện nào đó chúng ta cũng có tật hay bắt chước như loài khỉ, không biết có phải vì được sinh ra từ khỉ nên ta có tật đó chăng ? Làm vì thấy người khác làm, rồi từ từ cả bầy đều làm. Làm mà chẳng biết tại sao mình làm, lý do duy nhất là thấy người khác làm và mình làm theo.

Mặt khác, khi đề cao và tận dụng tốc độ, người ta ít chú ý đến sự liên hệ giữa tinh thần và thể xác. Gần đây, người ta bắt đầu nhấn mạnh trở lại về việc tinh thần có ảnh hưởng rõ ràng đến sức khỏe thể xác, và dần dà người ta bắt đầu nhận thấy thinh lặng có khả năng chữa lành và gia tăng sức mạnh nội tâm. Ngày nay, các bác sĩ tâm thần thường khuyên những người bị trục trặc về đời sống tinh thần phải dành thời gian thinh lặng nhất định nào đó trong ngày để có thể lành bệnh chứ không chỉ đơn thuần cho họ dùng thuốc an thần.

Tại sao người ta lại sợ thinh lặng đến thế nhỉ ?

  • Thứ nhất, bởi vì người ta muốn tận dụng thời gian để làm thật nhiều việc càng tốt, và công việc nói lên giá trị của một con người. Người nào thành công nhiều, người ấy có giá trị cao. Nhưng có thật như thế không ? Nếu vậy những người bệnh tật, tâm thần cần phải loại bỏ đi.

  • Thứ hai, khi thinh lặng người ta phải đối diện với chính mình, với lương tâm và với Thiên Chúa. Tất cả những gì mà tôi đã, đang và sắp làm sẽ bị chất vấn làm cho tôi khó chịu. thế là đành phải tìm cách dẹp bỏ những tiếng nói nội tâm ấy đi. Đôi khi chúng ta hăng say làm việc đến mức quên ăn, quên ngủ, quên các mối liên hệ bạn bè và gia đình chẳng qua là một cách khéo léo mà tiềm thức chúng ta tung ra để chúng ta đang chạy trốn thinh lặng, và chạy trốn chính mình.

Thinh lặng không chỉ đơn thuần là im lặng, không có tiếng ồn nhưng sâu xa hơn là một trạng thái nội tâm giúp ta tách khỏi những gì ngăn cản ta ý thức về chính bản thân mình, về các mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa, và giữa ta với người khác, về những gì mình đang làm và đang theo đuổi,... Như vậy thinh lặng đi liền với suy tư phản tỉnh.

Người ta phân biệt thinh lặng bề ngoài là chủ động không nghe, không nhìn, không đọc; thinh lặng nội tâm là lắng nghe tiếng lương tâm và tiếng Chúa. Cần phải có thinh lặng bề ngoài để đạt tới thinh lặng nội tâm.

Ngay chính trong đời sống tâm linh chúng ta cũng thích bầu khí ồn ào, phải có kinh để đọc, phải có đàn hát... nói chung phải có cái gì đó để làm, chứ không để “giờ chết”. Phải chăng thói quen đó cũng đã ăn sâu vào đời sống đạo ?

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thực tế một chút. Ngày nay để tạo được bầu khí thinh lặng thật là khó. Sống với hàng xóm và gia đình, chúng ta cảm nhận rõ được khó khăn này. Chúng ta không thể bắt người thân của chúng ta giữ thinh lặng nếu họ không muốn. nhưng nếu điều kiện có thể, chúng ta cần chủ động tìm nơi thinh lặng và giờ thinh lặng cho chính mình.

Thật đáng mừng vì ngày nay, có nhiều giáo xứ có nhà nguyện Thánh Thể được trang hoàng nhẹ nhàng, và đặc biệt là có bầu khí thinh lặng. Ai cũng có thể đến để viếng Chúa vào bất cứ giờ nào. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ rằng, mỗi lần họ tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chỉ cần ngồi đó thinh lặng để… nghỉ mệt và có khi ngủ gục nữa vì một ngày đã quá mệt với công việc và mọi thứ linh tinh. Họ không đọc kinh, không đàn hát, nhưng trong thinh lặng cầu nguyện và đối thoại với Chúa, và đây chính là lúc họ tìm được bản thân và nhận biết chính mình thực sự. Vì khi đến với Chúa, đến bên Chúa thì mọi thứ mặt nạ, các thứ giả vờ trong lời nói và hành động mà mình sử dụng để đối phó với người khác phải rớt xuống vì chẳng có gì còn có thể che dấu được nữa. Chính lúc ấy tôi sống thật với con người tôi.

Một lần nữa xin được lặp lại lời của Đức Hồng Y Mercier: “hằng ngày, hãy dành một số lúc nhắm mắt trước những gì thuộc về giác quan và bịt tai trước những ồn ào của thế gian, để đi vào chính tâm hồn bạn. Ở đó trong sự thánh thiện của linh hồn được rửa tội là đền thờ của Chúa Thánh Thần hãy thân thưa: “lạy Chúa Thánh Thần, người yêu của linh hồn con, con thờ lạy Ngài. Xin hãy soi sáng con, hướng dẫn con, thêm sức cho con, an ủi con… xin giúp con biết được thánh ý Ngài”.

(Nguồn: Giesulove.net)

Người Cha nhân hậu

Trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta không ngừng được thôi thúc để quay trở về với Chúa. đọc tiếp...

Hai em bé trong máng cỏ !

Tôi học được rằng không phải cái gì bạn có trong cuộc đời cũng là đáng giá, mà là bạn có ai trong cuộc đời này mới là quan trọng! đọc tiếp...