Điều gì đang định hướng cuộc đời bạn?
Không gì đáng giá hơn việc biết được những mục đích Thiên Chúa dành cho đời bạn, và không biết chúng thì không gì có thể bù đắp được.
| Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012
A
–
A+
color:
Không gì đáng giá hơn việc biết được những mục đích Thiên Chúa dành cho đời bạn, và không biết chúng thì không gì có thể bù đắp được.
“Tôi nhận thấy rằng trong công việc,
con người chấp nhận mọi gian khổ
và vận dụng hết tài năng
chỉ vì muốn ganh đua với nhau.
Nhưng việc đó cũng chỉ là phù vân,
là công dã tràng xe cát”
(Gv 4, 4).
“Con người sống không có mục đích
tựa con tàu không bánh lái -
vất vưởng, không ra vật
cũng chẳng ra người”
(Thomas Carlyle).
Cuộc đời mỗi người được hướng định bởi một điều gì đó.
Phần lớn các từ điển định nghĩa động từ “drive” là “hướng dẫn, lái xe, kiểm soát hay định hướng”. Hoặc là bạn đang lái một chiếc xe, đóng một chiếc đinh hay đánh một trái banh golf, ấy là bạn đang hướng dẫn, kiểm soát và định hướng cho nó vào lúc đó. Vậy thì trong cuộc sống của bạn, động lực nào đang hướng định đời bạn?
Ngay lúc này, có lẽ bạn đang bị định hướng bởi một vấn đề, một sức ép hay một thời hạn nào đó. Có thể bạn đang bị định hướng bởi một ký ức đau xót, một nỗi sợ đang ám ảnh hay một niềm tin vô thức. Có thể có đến hàng trăm hoàn cảnh, giá trị và cảm xúc đang giằng co cuộc sống bạn. Ở đây, có năm điều thường gặp nhất:
Nhiều người bị hướng định bởi mặc cảm tội lỗi. Họ phí cả cuộc đời để chạy trốn những tiếc xót và che giấu những hổ thẹn. Những người thuộc nhóm này bị hành hạ bởi ký ức. Họ để quá khứ điều khiển tương lai. Một cách vô thức, họ thường trừng phạt chính mình bằng cách phá hỏng những thành công riêng của mình. Khi Cain phạm tội, tội của y đã lôi y ra khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa, và Thiên Chúa phán: “Ngươi phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4, 12). Điều đó mô tả - hầu hết con người thời nay - lang thang trong cuộc sống mà không có mục đích.
Chúng ta là sản phẩm của quá khứ chính mình, nhưng chúng ta không phải là tù nhân của nó. Mục đích của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi quá khứ của bạn. Người biến một kẻ giết người có tên Môisen thành một nhà lãnh đạo, biến một kẻ hèn nhát có tên Giđêon thành một anh hùng dũng cảm, và Người cũng có thể làm bao điều kỳ diệu với những ngày còn lại của đời bạn. Thiên Chúa thành thạo trong việc cho con người làm lại một khởi đầu tươi mới. “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv 32, 1).
Nhiều người bị hướng định bởi oán hờn và giận dữ. Họ giữ chặt những thương tổn và không bao giờ vượt qua chúng. Thay vì làm nhẹ nỗi đau bằng việc tha thứ, họ cứ nhai đi nhai lại nó trong tâm hồn. Một số người thuộc loại này trở nên “câm nín” và sống trong uất ức đang khi những người khác thì “nổ tung” và trút xuống không thương xót trên người khác. Cả hai phản ứng này đều không lành mạnh và chẳng giúp ích gì.
Sự giận dữ luôn gây thương tích cho bạn hơn là cho người mà bạn oán hờn. Đang khi người xúc phạm bạn có lẽ đã quên điều ấy và sống nhởn nhơ đâu đó thì bạn lại tiếp tục ấp ủ nỗi đau và mải kéo dài quá khứ của mình.
Bạn hãy nghe: Những người gây thương tích cho bạn trong quá khứ không thể tiếp tục đả thương bạn ngay lúc này trừ phi bạn cứ ôm ấp nỗi đau qua sự giận dữ. Quá khứ của bạn là những gì đã qua! Không gì thay đổi nó. Chính bạn đang tự gây thương tích cho mình với đắng cay. Để cứu lấy mình, bạn hãy học biết nó và để nó ra đi. “Quả vậy, nỗi sầu khổ làm người điên phải chết và giận hờn làm kẻ dại phải tiêu vong” (G 5, 2).
Nhiều người bị hướng định bởi sợ hãi. Những nỗi sợ hãi của họ có thể là hậu quả của một kinh nghiệm thương đau, những kỳ vọng phi thực, lớn lên trong một gia đình nghiêm khắc hoặc ngay cả do bẩm sinh di truyền. Bỏ qua nguyên nhân này, người bị sợ hãi hướng định thường đánh mất bao cơ hội quý báu bởi họ sợ thất bại. Thay vào đó, họ thoả hiệp với nó cách an toàn, tránh mạo hiểm và tìm cách giữ nguyên hiện trạng.
Sợ hãi chính là nhà tù tự tạo vốn không cho bạn trở nên con người Thiên Chúa muốn bạn trở thành. Bạn phải thoát khỏi nó bằng khí giới của đức tin và tình yêu. Kinh Thánh nói, “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4, 18).
Không gì đáng giá hơn việc biết được những mục đích Thiên Chúa dành cho đời bạn, và không biết chúng thì không gì có thể bù đắp được.
Nhiều người bị hướng định bởi chủ nghĩa duy vật. Khát vọng chiếm hữu trở nên toàn bộ mục tiêu đời họ. Động lực này thôi thúc họ luôn muốn có nhiều hơn dựa trên quan niệm lệch lạc là có nhiều hơn sẽ hạnh phúc hơn, quan trọng hơn, an toàn hơn; nhưng cả ba ý tưởng ấy đều không đúng. Của cải chỉ mang lại một thứ hạnh phúc tạm bợ. Bởi lẽ, vật thì không thay đổi, và hiển nhiên, chúng ta sẽ chán ngấy để rồi mong muốn những mẫu mã mới hơn, lớn hơn và tốt hơn.
Cũng là lầm tưởng khi cho rằng nếu tôi có nhiều hơn tôi sẽ quan trọng hơn. Giá trị của bản thân và giá trị của tài sản không giống nhau. Giá trị của bạn không được xác định bởi những thứ quý giá bạn có và Thiên Chúa nói những thứ có giá nhất ở đời này không phải là vật chất! Một lầm tưởng phổ biến nhất về tiền bạc, là càng có nhiều, tôi càng được an toàn. Không phải thế. Tài sản có thể bị tiêu tan trong giây lát bởi bao yếu tố ngoài tầm tay bạn. An toàn đích thực chỉ có thể được tìm thấy ở nơi mà nó không bao giờ bị tước mất khỏi bạn - đó là mối tương giao giữa bạn với Thiên Chúa.
Nhiều người bị hướng định bởi nhu cầu được người khác chấp nhận. Họ để những hoài bão của mẹ cha, vợ chồng, thầy cô và bạn bè điều khiển đời họ. Nhiều người trưởng thành vẫn tìm kiếm sự tán thành của những người cha, người mẹ không mấy dễ chịu của họ. Số khác thì bị hướng định bởi áp lực của bạn bè, nên luôn lo lắng về những gì người khác có thể nghĩ về mình. Thật không may, những kẻ chạy theo đám đông thường đánh mất mình trong đó.
Tôi không biết tất cả mọi chìa khoá dẫn đến thành công, nhưng một trong những chìa khoá dẫn đến thất bại là tìm cách làm vui lòng mọi người. Bị điều khiển bởi ý kiến của người khác là dấu hiệu bảo đảm cho thấy bạn đang làm hỏng những mục đích của Thiên Chúa dành cho đời bạn. Đức Giêsu nói, “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6, 24a).
Có thể còn có những động lực khác hướng định đời bạn, nhưng tất cả đều dẫn đến bế tắc: nội lực bị lãng phí, căng thẳng không cần thiết, và một cuộc sống không tràn đầy.
Hành trình 40 ngày này sẽ chỉ cho bạn làm cách nào để sống một cuộc sống định hướng có mục đích - một cuộc sống được dìu dắt, điều khiển và được hướng định bởi những mục đích của Thiên Chúa. Không gì đáng giá hơn việc biết được những mục đích Người dành cho đời bạn, và không biết chúng thì không gì có thể bù đắp được, dầu là hạnh phúc, dầu là của cải, dầu là nổi danh hay lạc thú. Không mục đích, cuộc sống chỉ là một chuyển động vô nghĩa, một hoạt động vô phương, một chuỗi sự kiện vô lý. Không mục đích, cuộc sống thật là vô tích sự, ti tiện và vô dụng.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA MỘT ĐỜI SỐNG CÓ ĐỊNH HƯỚNG
Năm lợi ích lớn lao của một đời sống có định hướng:
Biết mục đích đem ý nghĩa cho cuộc đời bạn. Chúng ta được tạo dựng để có một ý nghĩa. Đó là lý do tại sao nhiều người thử khám phá mục đích đời họ bằng những phương pháp khả nghi như tử vi bói toán. Khi cuộc sống có ý nghĩa, bạn có thể gánh vác hầu như tất cả mọi chuyện; không có ý nghĩa, thì không gì đáng để gánh vác.
Một thanh niên ở tuổi hai mươi viết: “Tôi cảm thấy đời tôi như đang bỏ đi vì tôi đang phấn đấu để trở thành một điều gì đó, và thậm chí tôi cũng không biết đó là điều gì. Những gì tôi biết là sống lây lất qua ngày. Ngày nào đó, nếu khám phá được mục đích đời tôi, tôi sẽ cảm thấy mình bắt đầu sống”.
Không có Thiên Chúa, cuộc sống không có mục đích. : ”Không mục đích, đời thật vô nghĩa. Mà nếu là vô nghĩa, thì cuộc đời chẳng đáng là gì và thật vô vọng. Trong Kinh Thánh, biết bao người đã tỏ bày nỗi tuyệt vọng này. Isaia than trách: “Phần tôi, tôi đã nói ‘Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì’”(Is 49, 4). Gióp nói: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt không một tia hy vọng” (G 7, 6), và “Con chẳng thiết tha gì, con đâu có sống mãi, xin cứ để mặc con, vì đời con chỉ là hơi thở” (G 7, 16). Thảm hoạ lớn nhất không phải là cái chết, nhưng đó là một cuộc sống không có mục đích.
Niềm hy vọng cấp thiết cho đời sống như không khí và nước. Bạn cần có hy vọng để đương đầu. Bác sĩ Bernie Siegel nhận xét, ông có thể đoán được bệnh nhân ung thư nào sẽ thuyên giảm bằng cách hỏi họ: “Bạn có muốn sống đến trăm tuổi không?”. Những ai cảm nhận sâu xa mục đích cuộc sống thì trả lời “muốn” và hầu như họ đã sống sót. Hy vọng đến từ việc sống có mục đích.
Nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng? Đừng vội bỏ cuộc! Vì những thay đổi kỳ diệu sắp xảy đến với bạn khi bạn bắt đầu sống một cuộc sống có mục đích. Thiên Chúa nói: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa - kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29, 11). Có thể bạn cảm thấy mình đang đương đầu với một hoàn cảnh không thể vượt qua, nhưng thánh Phaolô nói: “Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3, 20).
Biết mục đích sẽ làm cho cuộc sống bạn trở nên đơn giản. Nhờ biết mục đích, bạn biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Mục đích trở thành tiêu chuẩn để bạn lượng giá việc nào chính yếu, việc nào phụ tuỳ. Cách đơn giản, bạn hãy tự hỏi: “Công việc này có giúp tôi hoàn thành mục đích Thiên Chúa dành cho đời tôi không?”.
Với một mục đích không rõ ràng, bạn sẽ không có nền tảng để thiết lập những quyết định, phân phối thời giờ và sử dụng nguồn năng lực của mình. Bạn sẽ dễ dàng quyết định tuỳ hoàn cảnh, áp lực, và tâm trạng lúc ấy. Ai không biết mục đích của mình, sẽ cố làm thật nhiều và điều đó dẫn đến ức chế, mệt mỏi và xung đột.
Bạn không thể làm mọi chuyện để vừa lòng mọi người. Bạn chỉ có đủ thời giờ để làm điều Chúa muốn. Làm mãi không xong, nghĩa là bạn đang cố làm nhiều hơn những gì Chúa muốn (hoặc cũng có thể, bạn đang xem tivi nhiều). Một đời sống có đích hướng sẽ dẫn đến một phong cách sống đơn giản với lịch làm việc lành mạnh hơn. Sách Châm Ngôn nói: “Người chẳng có chi thì khoe mình giàu có, kẻ nhiều của cải lại làm bộ túng nghèo” (Cn 13, 7). Đời sống ấy cũng đem lại bình an nội tâm: “Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài” (Is 26, 3).
Biết mục đích sẽ giúp bạn tập trung đời mình. Nhờ biết mục đích, bạn sẽ tập trung nỗ lực và sức lực vào những việc quan trọng. Công việc bạn làm sẽ rất hiệu quả vì bạn biết chọn lọc. Theo bản tính tự nhiên, người ta thường mất tập trung vì những chuyện vụn vặt. Chúng ta chơi trò “Đuổi Bắt Tầm Phào” bằng cả cuộc sống. Henry David Thoreau đã nhận xét sâu sắc, đó là sống một cuộc sống “tuyệt vọng âm thầm” mà ngày nay được mỹ từ hoá là “tiêu khiển vô định”. Nhiều người tựa hồ những con quay hồi chuyển, quay điên cuồng nhưng không dẫn tới đâu.
Không có mục đích rõ ràng, bạn sẽ liên tục thay đổi phương hướng, công việc, các mối tình thân, nhà thờ, và bao nhiêu chuyện bên ngoài khác với hy vọng mỗi lần đổi thay sẽ giúp bạn ổn định hơn, đồng thời lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn. Bạn nghĩ, Có lẽ lần này mọi chuyện sẽ khác, nhưng thật ra nó vẫn không giải quyết được vấn đề thực của bạn, đó là thiếu tập trung, thiếu mục đích. Thánh Phaolô nói: “Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa” (Ep 5, 17).
Sức mạnh của việc tập trung có thể thấy ở ánh sáng. Ánh sáng khuyếch tán thì ít năng lượng và ít sức tác động, nhưng bạn có thể tập trung năng lượng của ánh sáng bằng cách hội tụ nó lại. Với một kính lúp, những tia nắng mặt trời có thể hội tụ để đốt cháy một đám cỏ hay một tờ giấy. Khi ánh sáng được tập trung nhiều hơn, chẳng hạn một tia lazer, có thể cắt thủng thép.
Không gì mạnh mẽ bằng một đời sống tập trung có mục đích rõ rệt. Những con người, nam cũng như nữ, đã làm thay đổi lịch sử là những con người có một đời sống tập trung cao độ. Chẳng hạn thánh Tông Đồ Phaolô, hầu như đơn thương độc mã, ngài đã rao giảng Kitô giáo xuyên suốt Đế quốc Rôma. Bí quyết của ngài là một đời sống được tập trung. Ngài nói: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” ( Pl 4, 13b).
Nếu bạn muốn cuộc sống có sức tác động, hãy tập trung nó! Đừng làm gì nửa vời, cũng đừng ôm đồm thái quá và hãy làm ít lại! Hãy loại bớt ngay cả những việc tốt và chỉ làm những gì quan trọng nhất. Đừng bao giờ nhầm lẫn công việc với hiệu năng công việc. Bạn có thể rất bận rộn mà không có mục đích, nhưng rồi để làm gì? Thánh Phaolô nói: “Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 3, 14).
Nếu bạn muốn cuộc sống có sức tác động, hãy tập trung nó!
Biết mục đích đem cho bạn sự hăng hái. Mục đích luôn tạo hăng say. Không gì đem lại nghị lực cho bằng một mục đích sáng tỏ. Ngược lại, nhiệt huyết biến tan khi bạn thiếu mục đích. Chỉ việc ra khỏi giường cũng trở nên nặng nề. Thông thường, chính những việc vô tích sự, chứ không phải vì quá nhiều công việc, khiến chúng ta nhụt chí, kiệt sức và mất đi niềm vui.
George Bernard Shaw viết: “Niềm vui đích thực của cuộc sống là đây: dấn thân quên mình vì mục đích mà bạn coi là cao cả nhất; là sức mạnh tự nhiên thay vì bồn chồn, ích kỷ, nhu nhược và bất bình khi nghĩ rằng thế giới chẳng đem chút hạnh phúc nào cho bạn”.
Bạn không được đặt trên trái đất để được tưởng nhớ, bạn được tạo dựng để chuẩn bị cho cõi đời đời.
Biết mục đích chuẩn bị bạn cho cõi đời đời. Nhiều người suốt đời cố tạo nên một tài sản lâu bền dưới thế, họ muốn được nhớ đến khi đã qua đời. Thế mà, điều tối hậu không phải là những gì người ta nói nhưng là những gì Thiên Chúa nói về bạn. Điều mà người ta không nhận ra là mọi thành quả đều qua đi, mọi kỷ lục đều bị phá, mọi danh tiếng đều phai mờ, và mọi cống hiến đều bị lãng quên. Khi còn học đại học, mục tiêu của James Dobson là trở thành nhà vô địch quần vợt của trường. Anh tự hào khi thấy chiếc cup của mình được đặt nổi bật tại phòng trưng bày. Nhiều năm sau, ai đó đã gửi cho anh chiếc cup ấy qua đường bưu điện, người ta thấy nó trong một thùng rác khi nhà trường được sửa sang. Jim nói: “Cho đến một ngày nào đó, mọi chiến tích của bạn đều sẽ được ném vào sọt rác bởi một ai đó!”.
Sống để gầy dựng một gia sản dưới thế chỉ là một mục tiêu thiển cận. Người khôn ngoan hơn sẽ dùng thời giờ để gầy dựng một gia sản đời đời. Bạn không được đặt trên trái đất để được tưởng nhớ, bạn được tạo dựng để chuẩn bị cho cõi đời đời.
Ngày kia, bạn sẽ đứng trước Thiên Chúa, Người sẽ xét xem cuộc đời bạn, một cuộc hạch hỏi cuối cùng trước khi bạn bước vào cõi đời đời. Kinh Thánh nói, “Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Người” (Rm 13, 10c.12).
May thay, Thiên Chúa muốn chúng ta vượt qua cuộc thi này, vì thế Người đã cho câu hỏi trước. Từ Kinh Thánh, chúng ta có thể đoán trước hai câu hỏi then chốt mà Thiên Chúa sẽ đặt ra:
Trước hết, “Con đã làm gì với Đức Giêsu Kitô, con của Ta?”. Người không hỏi bối cảnh tôn giáo hay quan điểm tín lý của bạn. Điều duy nhất quan trọng sẽ là, bạn có chấp nhận những gì Đức Giêsu đã làm cho bạn và bạn có học biết yêu mến và tin cậy Ngài không? Đức Giêsu nói, “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6).
Thứ hai, “Con đã làm gì với những gì Ta ban cho con?”. Bạn đã làm gì với cuộc đời bạn - tất cả mọi quà tặng, tài năng, cơ hội, nghị lực, các mối tương quan và các nguồn lực Thiên Chúa đã ban cho bạn? Bạn đã dùng chúng cho riêng mình? Hay đã sử dụng chúng cho những mục đích Người dành cho bạn?
Chuẩn bị hai câu hỏi đó cho bạn chính là mục đích của cuốn sách này. Câu hỏi thứ nhất sẽ xác định bạn sẽ sống đời đời ở đâu. Câu hỏi thứ hai xác định bạn sẽ làm gì trong cõi đời đời. Cuối cuốn sách này, bạn sẵn sàng để trả lời hai câu hỏi đó.
NGÀY THỨ BA
NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH ĐỜI TÔI
- Một điểm để suy tư: Sống có mục đích là đường dẫn đến bình an.
- Một câu Kinh Thánh để nhớ: “Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin vào Ngài” (Is 26, 3).
- Một câu hỏi để nghiền ngẫm: Có phải những gì gia đình và bè bạn tôi nói là động lực hướng định đời tôi? Tôi muốn điều đó sẽ là gì?
Tác giả Minh Anh gp Huế, Lm.