Skip to main content

Ngoại đạo

ÐẠO mênh mông lắm, làm sao con có thể đem ÐẠO vào một định nghĩa chật hẹp được.
Ngoại đạo
ÐẠO mênh mông lắm, làm sao con có thể đem ÐẠO vào một định nghĩa chật hẹp được.

     Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
     Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.


Là người ngoại đạo sao lại tin có Chúa ngự trên cao? Ðã tin Chúa ngự trên cao là có đạo rồi. Nếu tin Chúa ngự trên cao mà vẫn ngoại đạo chỉ có nghĩa là có đạo mà không vào đạo thôi.

Nhiều người có đạo nhưng không vào đạo. Cũng như nhiều người vào đạo nhưng không có đạo. Thơ Nguyên Sa bảo rằng nắng Saigon tôi đi mà chợt mát vì em mặc áo lụa Hà Ðông. Cũng nắng Saigon tôi đi, nhưng sẽ chẳng chợt mát khi lòng tôi không có áo-lụa-em bay. Áo lụa cũng phơi bên sân hiền nhà ai. Dưới ngõ trúc cũng là áo lụa ai đi về. Cũng là áo lụa đó, nhưng vẫn là khác. Phải là áo-lụa-em bay lòng anh mới chợt mát.

Như thế, xem ra, cái gần gũi không gian có là gần mà vẫn là xa. Cái lòng mình chợt mát phải là cái gì thiêng liêng hơn, nó ở trong hồn ta chứ không ở ngoài ta. Nếu nó ở ngoài ta thì bất cứ áo lụa nào lòng tôi cũng chợt mát, bất cứ nắng nào cũng được chứ không phải nắng Saigon. Cái nắng Saigon, con đường Duy Tân lá đổ, hàng me già công viên, tự nó chỉ là me, là nắng, là lá đổ mà thôi cho những ai đi giữa Saigon mà không có Saigon với áo-lụa-em trong hồn mình. Còn ai có áo-lụa-em thì nắng là chợt mát, lá đổ là muôn chiều dư âm. Ðạo cũng thế, chỉ khi nào đạo ở trong tôi mới là có đạo, mới là "chợt mát", là ơn cứu độ.

Thủa xưa cũng đã có một chuyện tình. Ngày đó, sau khi phạm tội, Ađam cùng Evà đi "trong địa đàng" nhưng vẫn là rũ úa giữa địa đàng. Như thế, "tôi ở trong địa đàng" vẫn là thống khổ, chỉ khi "địa đàng ở trong tôi", lúc đó tôi mới "có địa đàng", bấy giờ mới là gió lụa, mới là nắng hoa, mới là lòng mình chợt mát.

Nói về có đạovào đạo thì Phúc Âm có nhiều biến cố tường thuật về những người ngoại đạo nhưng lòng họ thì lại có đạo.

Một người ngoại đạo


Kết thúc cuộc đời rao giảng của Chúa là khúc đường vác thập giá lên Núi Sọ. Nếu Chúa vác không nổi mà chết trên đường đi thì hành trình cứu chuộc có dang dở không? Ðó là câu hỏi giả sử mà thôi. Thực tế, hành trình cứu chuộc đã không dang dở. Chúa đã không kiệt sức mà chết trên đường đi vì đã có người vác đỡ. Kẻ vác đỡ thánh giá là ông Simon, người xứ Kyrênê, ông là một người ngoại giáo (Lc. 23:26).

Một người ngoại giáo nữa


Trong quãng đời mục vụ của Chúa, Tin Mừng thánh Matthêu có kể câu chuyện đức tin của một người như thế này:

Khi Ngài vào Carphanaum, thì một viên bách quản đến gặp Ngài, van xin: "Thưa Ngài, tên hầu của tôi nằm liệt bất toại ở nhà, phải đau đớn dữ dằn." Ngài nói: "Ta phải đến chữa nó?" Viên bách quản thưa lại: "Thưa Ngài, tôi không đáng được Ngài vào mái nhà tôi. Song Ngài hãy phán một lời mà thôi, thì tên hầu tôi sẽ khỏi, vì tôi đây tuy là thuộc hạ, thế mà có lính tráng dưới quyền tôi, tôi bảo người này: "Ði đi!" là nó đi; và bảo người khác: "Ðến!" là nó đến; tôi bảo tôi tớ của tôi: "Làm cái này" là nó làm". Nghe vậy Ðức Kitô ngạc nhiên và nói với các kẻ theo Ngài: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, ta chưa hề gặp được lòng tin lớn như thế nơi một người nào trong Israel" (Mt. 8:5-10).

Lại một người ngoại giáo nữa


Câu chuyện trên là chứng nhân của niềm tin. Câu chuyện dưới đây nói về tâm tình biết ơn, cũng lại là một người ngoài.

Nhằm lúc Ngài vào một làng kia, thì mười người phung hủi đón gặp Ngài. Ðứng đàng xa, họ gióng tiếng lên mà rằng: "Lạy Thầy Yêsu, xin thương xót chúng tôi!" Thấy vậy, Ngài bảo họ: "Hãy đi trình diện với hàng tư tế." Và xẩy ra là trong lúc họ đi, thì họ đã được sạch. Một người trong bọn thấy mình được lành thì quay lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mặt dưới chân Ngài mà tạ ơn. Người ấy là một người Samari. Ðức Yêsu cất tiếng nói: "Không phải là cả mười người được sạch cả sao? Chín người kia đâu? Không thấy họ quay lại mà chúc vinh Thiên Chúa, trừ có người ngoại bang này?" (Lc. 17:11-18).

Rồi lại một người nữa ngoại giáo


Thánh Luca thuật lại câu chuyện như sau: "Một người ở thành Yêrusalem xuống Jêrico, giữa đường bị kẻ cướp bóc lột hết và đánh nhừ tử, đoạn chúng bỏ người ấy nửa sống nửa chết mà đi. Tình cờ một trưởng tế đi qua đấy, ông thấy người ấy song tránh một bên mà đi. Lại có một thầy Lêvi cũng qua lối ấy, thầy thấy người ấy song cũng tránh một bên mà đi. Một người Samari nọ, nhân đi đường, cũng đến nơi ấy, thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại đổ dầu và rượu, ràng buộc thương tích người ấy, đoạn vực người ấy lên lừa của mình mà đưa đến quán trọ, và săn sóc người ấy (Lc. 10:29-37).

Thầy tư tế và Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa, họ là kẻ giảng về đạo. Họ ở trong đạo nhưng lại không có đạo. Kẻ sống đạo lại là người ngoại đạo.

Rồi những người ngoại giáo nữa


Vào đêm Chúa sinh ra, trên bầu trời Belem năm ấy có một vì sao lạ. Cả triều đình và bao nhiêu pho Kinh Thánh, với những kinh sư chuyên môn cắt nghĩa ngôn sứ, mà họ chẳng biết gì, họ phải đợi cho tới khi những kẻ ngoại giáo từ phương xa tới hỏi: Ðấng Cứu Thế đã sinh ra ở đâu? (Mt. 2:1-12). Trên bầu trời Belem năm ấy, vâng: Con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao.

* * *

Lạy Chúa,

- Nói về niềm tin thì các môn đệ khẳng định Thầy đâu có sống lại (Mc. 16:11, Yn. 20:25). Trong khi người có niềm tin mà tìm hết dòng dõi nhà Israel cũng không thấy lại là một người bên ngoài.

- Kẻ vác đỡ thánh giá cho Chúa trên những bước chân xiêu té cuối đời cũng lại là người ngoại.

- Nói về lòng biết ơn thì ít quá. Trong cái ít ỏi ấy lại cũng là một người bên ngoài.

- Nói về lòng bác ái thương người thì cũng không phải là tư tế hay các vị chức sắc trong đạo mà lại là người Samari, một kẻ ngoại giáo.

Băn khoăn một chút thế nào là "người bên ngoài", thế nào là "người bên trong", thế nào là "ngoại đạo" và "có đạo", con thấy một lần Chúa nói: "Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ tự phương Ðông, phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Yacob trong Nước Trời, còn chính con dân trong Nước lại sẽ bị đuổi ra bên ngoài tối tăm" (Mt. 8:11-12).

Con không muốn là con dân trong Nước nhưng bị loại ra ngoài. Làm kẻ từ mười phương mà được Nước Trời thì vẫn tốt hơn. Nếu thế thì con phải hiểu ÐẠO là gì. Con phải băn khoăn thế nào là "vào đạo" và thế nào là "có đạo". Trời chiều nay rộng quá, mênh mông như ÐẠO không bến bờ. ÐẠO mênh mông lắm, làm sao con có thể đem ÐẠO vào một định nghĩa chật hẹp được. Làm sao con có thể nhốt ÐẠO vào nhà thờ, vẽ chân dung ÐẠO bằng tờ giấy rửa tội. Ðã nhiều lần con loại bỏ những ai không cùng tôn giáo với con là người "ngoại đạo".

Bỏ cái chật hẹp của lòng mình, con thấy ý nghĩa lời kinh kia quá đỗi thênh thang. Nếu những giải mây ngang đời trôi về vùng trời bao la không biết đâu là bờ bến thì ý nghĩa của lời kinh ấy cũng mênh mông không biết đâu là bến bờ. Lời kinh đó là:

     Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
     Nhưng tin có Chúa ngự trên cao.


Trích từ : CON BIẾT CON CẦN CHÚA
Tác giả Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ
http://vntaiwan.catholic.org.tw/btathuog/banruong.htm

+ Khi Người không đáp trả
+ Phép lạ cho người có đức tin