Skip to main content

Xin cho con biết lắng nghe

Có nhiều cách thức để lắng nghe tiếng Chúa. Từ đây tôi cảm nghiệm đươc bàn tay Quan Phòng yêu thương của Chúa.
Xin cho con biết lắng nghe
Có nhiều cách thức để lắng nghe tiếng Chúa, và nhìn thấy Chúa nói với mình những lời tình. Từ đây tôi cảm nghiệm đươc bàn tay Quan Phòng yêu thương của Chúa.

Xin cho con biết lắng nghe
Lời Ngài gọi con trong đêm tối
Xin cho con biết lắng nghe
Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi
Xin cho con cất tiếng lên
Trả lời vừa khi con nghe Chúa
Xin cho con biết thân thưa:
Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi?

  • Lắng Nghe Tiếng Chúa - Sáng tác: Lm Nguyễn Duy

Tôi rất thích bài hát mang tên “Lắng Nghe Tiếng Chúa,” nhưng lúc nhỏ tôi lại hiểu sai lầm, ngỡ rằng lắng nghe tiếng Chúa, có nghĩa là nghe bằng tai, và nghe Chúa nói với mình qua lời nói phát ra từ miệng, y như mình nghe bạn bè nói chuyện vậy. Hiểu như thế nên tôi phì cười, vì làm sao mà Chúa chịu nói chuyện với tôi? Chỉ có những linh hồn thánh đức và các thánh mới được Chúa thân hành đến mà chuyện vãn.

Dần dần mãi đến sau này tôi mới hiểu hơn về vấn đề này, bởi nghe các linh mục giảng rằng, Chúa nói với chúng ta hằng ngày đó chứ. Kinh Thánh là quyển sách chứa đựng những Lời Chúa nói với nhân loại; có vị còn nói rằng đó là những bức thư tình Chúa gởi đến chúng ta.

Thư tình? Nghĩ theo nghĩa thế tục thì thấy kỳ kỳ sao đó. Nhưng học hỏi thêm về Cựu Ước, tôi nhận thấy ví như thế rất đúng, vì rõ ràng Chúa ví Chúa như người chồng, và người vợ là chúng ta đây, đã ruồng bỏ Chúa và đi ngoại tình. Tôi hiểu thêm rằng Chúa cũng nói với linh hồn tội lỗi nữa…

Và rồi có những trang Kinh Thánh thật cảm động, diễn tả tình yêu Chúa đối với nhân loại; chẳng hạn như câu: ”Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.(Is 49, 15)

Nghe tiếng Chúa qua những trang trong Phúc Âm, qua lời linh mục giảng, nhiều khi cũng khó tin rằng Chúa nói với tôi. Nhất là những lời rày la người Pharisêu, chẳng lẽ mình giống như họ sao? Thật ra, có khi mình còn tệ hại hơn họ nữa.

Có những lời dễ nghe, có những lời rất khó lọt và tai tôi, và hình như tôi có khuynh hướng tự biện hộ lấy mình: “Mình cũng đâu đến nỗi như vậy!” hoặc: ”Người ta ai cũng làm như vậy, mình thì thỉnh thoảng một lần mà thôi!” Những lời biện hộ đó luôn luôn có lý, để tâm hồn tôi một sự bình an thanh thản, lương tâm an bình. Có người còn đùa rằng:”Lương tâm đâu có răng mà cắn rứt.”

Nhưng một khi linh hồn được Đức Chúa Thánh Thần cư ngụ rồi, thì lương tâm tôi làm sao mọc nhiều răng quá thể! Khiến tôi mất bình an, đêm ngủ không yên, ngày thì loay hoay với những ý nghĩ lởn vởn trong đầu.

Có một điều tôi nhận thấy rằng, ma quỷ lợi dụng gieo vào tâm hồn người lành thánh, cái chiêu bài “khiêm nhường” không đúng chỗ, để rồi làm cho linh hồn sống xa cách Chúa. Chúng cám dỗ rằng, mình quá xấu xa, tội lỗi, bất xứng với Chúa, thì làm sao mà nghe được tiếng Chúa? Chiêu bài khiêm nhường, đạo đức này đã nhiều lần biến tôi trở thành miếng mồi ngon của chúng.

Có nhiều cách thức để lắng nghe tiếng Chúa, và nhìn thấy Chúa nói với mình những lời tình, qua tạo vật, qua những sự việc xảy ra thường ngày. Từ đây tôi cảm nghiệm đươc bàn tay Quan Phòng yêu thương của Chúa. Lúc đó tôi cất tiếng tạ ơn Lòng Thương Xót vô biên của Chúa đối với tôi, một đứa con, có thể nói là bất hiếu với Cha mình.

Nhờ Đức Chúa Thánh Linh soi sáng, sau này tôi lại hiểu được rằng, phải biết nghe tiếng Chúa qua tha nhân, qua cộng đoàn, qua người quen biết cũng như xa lạ, điều này không dễ tý nào. Khi nghe những lời nói khen tặng thì mát tai quá, cám ơn người ta rồi thì cám ơn Chúa lia lịa, bắt chước Mẹ Maria thốt lên lời ”Linh hồn tôi ngợi khen Chúa!” Còn nếu nghe những lời phê bình chê bai thì sao? Lúc đó tự nhiên không còn thấy Chúa ở đâu cả, mà chỉ thấy thằng quỷ đứng chần dần ở đó, lòng khiêm nhu bỗng nhiên cất cánh bay đâu xa, còn tự ái từ đâu vội vã bay ào về, mau hơn phi đạn, hỏa tiễn. Trong lòng bực tức vô cùng. Lúc đó, tôi thấy mình y như con nhím, muốn bung cọng long, chích người ta một cái đau điếng cho hả dạ.

Nhiều khi nghĩ lại, những lời phê bình chỉ trích ấy lại giúp đắc lực cho tôi làm việc xét mình. Cũng có lúc lại giúp cho tôi cảm tạ Chúa, vì những lời người ta nói về tôi không đúng, tôi phải cám ơn Chúa, đã gìn giữ tôi khỏi tánh xấu, mà người ta gán ghép cho tôi. Đó là phải có đôi tai “biết lắng nghe” trong khiêm nhượng.

Chúa đã dùng tha nhân để nói với tôi. Với lời ngợi khen thì thôi vui mừng và tạ ơn Chúa, vì Ngài chính là Đấng đã ban cho tôi mọi sự tốt lành. Với những lời phê bình chỉ trích, hoặc khuyên nhủ, tôi phải giữ lòng bình thản, mà chấp nhận sự thật, tôi thường cầu xin Chúa cho tôi có được tâm hồn “siêu thoát.” Chỉ có siêu thoát, vượt ra khỏi cái tôi kiêu căng, tự phụ, tự ái, thì tôi mới được bình an.

Xin cho con biết lắng nghe
Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng Chúa có thể dùng tôi để nói với tha nhân cho đến một lần kia.

Khi ấy, tôi dự buổi họp cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, kinh nghiệm sống. Tôi còn nhớ, hôm đó tôi nói về những điều kỳ diệu mà Mẹ Maria ban cho tôi qua phép lần hạt Mân Côi. Sau buổi họp, dọn ra một bữa cơm gia đình, các anh chị nói với nhau về nhiều đề tài.

Bổng dưng, tôi nhìn người bạn ngồi đối diện, và nói một câu bâng quơ, chẳng đâu vào đâu, một câu lạc đề, lạc cả cây số đấy: “Chúa là đường, là sự thật và là sự sống, mình phải sống trong Sự Thật, không chút gian dối!” Nói xong tôi mới ngạc nhiên. Ủa sao mình nói câu gì mà vô duyên vậy? Muốn giảng đạo hay sao? Trong khi đó các anh chị hiểu và thuộc lòng Thánh Kinh hơn tôi gấp chục lần. Người bạn vừa nghe tôi nói, bổng dưng nhìn tôi với cặp mắt sửng sốt. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại nói vậy với anh ấy. Quê ơi là quê! Tôi vội nói lảng sang chuyện khác. Nhưng người bạn với cặp mắt cứ đâm chiêu, như là mải suy nghĩ điều gì.

Vài tuần sau, tôi nhận được một cú điện thoại của người bạn này. Anh ấy cho tôi biết rằng, anh vừa đi nghỉ hè với gia đình. Trong suốt một tuần, anh đã sống trong sự bất an, với một lương tâm bị cắn rứt hằng đêm, bởi lời tôi nói hôm đó. Anh ta thú thật với tôi rằng, tiếng nói của tôi nghe như tiếng Chúa vừa nói thẳng trong tâm hồn anh. Bởi lẽ, mấy năm nay anh đã làm một việc gian dối, mà lương tâm thật bình thản, cho đến khi nghe tôi nói ra lời trên.

Anh không thể ngờ được, Chúa lại dùng miệng lưỡi một người chẳng biết gì về anh, để nhắc nhở anh. Anh nói với tôi rằng, anh đã đi xưng tội và sửa đổi lại những mất mát mà anh đã gây ra trong việc làm dối gian đó. Từ đó tâm hồn anh tìm được an bình và niềm vui. Niềm vui được làm môn đệ tốt lành của Thầy Giêsu.

Sau khi nghe bạn tôi tự thú, tôi vui mừng biết bao. Tôi cảm tạ Chúa, đã đoái thương kéo anh ta trở về với Sự Thật. Cảm tạ Chúa đã chọn tôi, để dạy cho tôi một bài học, đó là phải thức tỉnh lắng nghe tiếng Chúa qua tha nhân. Nhất là những lời khuyên răn khó nghe nhất lại là những lời quý giá.

Để đạt được điều này, tôi xin Chúa cho tôi có được con tim bén nhạy, biết lắng nghe, vì nếu chỉ nghe bằng hai tai, thì e rằng sẽ không đem đến cho tôi chút lợi ích gì, mà còn làm hại đến đời sống tâm linh của tôi nữa.

Lạy Chúa! Xin cho con có đủ khiêm nhường để chấp nhận những lời phê bình chỉ trích, và dạy con biết dùng nó làm bậc thang đưa con bước lên gần Thánh Tâm Chúa hơn. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”(Mt 11, 29)

Lạy Mẹ Maria, vốn là tấm gương trong sáng tinh tuyền của đức khiêm nhường, xin dạy cho con hai tiếng “Xin Vâng” mỗi khi con nhận ra dấu chỉ Thánh Ý Chúa dành cho con, qua mọi sự kiện liên quan, qua miệng lưỡi người thân, hay xa lạ, qua bạn bè, dù ngọt ngào, hay chua xót, đau đớn, đắng cay, để có thể cùng Mẹ bước theo chân Chúa trọn đời. Amen.

Chú pha trà

Câu chuyện sau đây do người Nhật thuật lại nhằm đề cao đức tính khiêm tốn và khuyến khích chúng ta biết vận dụng tài năng của mình để giúp chính mình và đóng góp cho đời. đọc tiếp...

Thật kỳ lạ
Bò và lừa
Tha hết mọi tội
Ba đồng tiền vàng