Skip to main content

Sự trở về

Ðược Thiên Chúa yêu thương khi còn ở trong ngôi nhà êm ấm, được Thiên Chúa yêu thương khi bỏ nhà ra đi và nhất là lại càng được Thiên Chúa yêu thương hơn khi quay trở về trong vòng tay êm ấm của Người.
Sự trở về
Ðược Thiên Chúa yêu thương khi còn ở trong ngôi nhà êm ấm, được Thiên Chúa yêu thương khi bỏ nhà ra đi và nhất là lại càng được Thiên Chúa yêu thương hơn khi quay trở về trong vòng tay êm ấm của Người.

Bức tranh nổi tiếng của danh họa Rembrandt được nhiều nơi chọn như biểu trưng của Năm dành cho Chúa Cha (năm 1999) có tựa đề là: "Sự Trở Về của Người Con Hoang Ðàng"

Có trở về tức là đã có ra đi. Người ta chỉ có thể cảm nhận được niềm vui của sự trở về khi nhìn lại những mất mát và khổ đau của sự ra đi. Người con đã nói với người cha: "Xin cha hãy chia phần gia tài thuộc về con". Rồi anh ta thu tóm mọi sự và ra đi. Sự ra đi của người con không chỉ đơn giản là một sự bỏ nhà ra đi.

Một tác giả nọ cho biết: trong 15 năm trời, ông đã đi từ Maroc qua Ấn Ðộ, xuống đến Thổ Nhĩ Kỳ và Sudan để tìm hiểu ý nghĩa của việc xin chia gia tài của người con.

Ðâu cũng đều nhận được một câu trả lời giống nhau cho câu hỏi: Có ai trong làng của các bạn xin chia gia tài khi người cha còn sống không? Câu trả lời luôn luôn là: "Không bao giờ".

Ðược hỏi: nếu có người con nào yêu cầu được chia gia tài thì điều gì sẽ xảy ra cho nó? Câu trả lời sẽ là: người cha sẽ đánh nó, bởi vì xin chia gia tài có nghĩa là muốn cho cha mình chết đi.

Dĩ nhiên, khi còn sống người cha thường làm chúc thư chia gia tài cho con cái, nhưng sự phân chia chỉ có thể diễn ra sau khi ông qua đời mà thôi. Muốn lấy phần gia tài thuộc về mình khi người cha còn sống có nghĩa là muốn cho cha mình phải chết.

Như vậy, việc bỏ nhà ra đi của người con không chỉ thuần túy là một việc ra đi, mà là một chối bỏ hoàn toàn, chối bỏ người cha đã sinh ra và dưỡng dục mình, chối bỏ ngôi nhà thân yêu nơi mình đã sinh ra và lớn lên, chối bỏ cộng đồng trong đó mình đã hấp thụ được bao nhiêu truyền thống tốt đẹp.

Thánh Luca viết rằng: "Người con đã trẩy đi một miền xa". Miền xa ấy không chỉ nói lên khát vọng của người con là muốn biết, muốn nhìn một thế giới khác, mà còn thể hiện một sự cắt đứt.

Thật thế, người con muốn cắt đứt sự sống, cách suy nghĩ, cách cư xử đã được lưu truyền đến anh từ thế hệ này sang thế hệ khác như một gia sản thánh thiêng. Anh muốn chối bỏ toàn bộ giá trị mà cộng đoàn gia đình luôn trân trọng. Miền xa mà người con tiến đến là thế giới trong đó mọi điều được xem là thánh thiêng của gia đình đều bị vứt bỏ.

Nhưng người con bỏ nhà ra đi ấy đã tìm được những gì trong miền xa ấy, nếu không phải là đói khát và muôn điều tủi nhục gắn liền với nỗi khốn khổ ấy!

* * *

Quí vị và các bạn thân mến,

Bỏ nhà ra đi trong dụ ngôn Người Con Hoang Ðàng không chỉ là một biến cố lịch sử gắn liền với không gian và thời gian.

Bỏ nhà ra đi là tuyên bố rằng: Thiên Chúa là Cha đã chết, Ngài không còn can dự gì đến cuộc sống của tôi nữa. Bỏ nhà ra đi là sống như thể tôi chưa từng có một ngôi nhà để ở, và tôi phải tìm một ngôi nhà rộng lớn hơn.

Nhà là trung tâm điểm của con người tôi, chính nơi tôi có thể nghe được lời Chúa phán: "Con là con yêu dấu của Cha". Ðó là tiếng nói đã từng được ngỏ với Ađam, con người đầu tiên của nhân loại.

Ðó cũng là tiếng nói được ngỏ với Chúa Giêsu: Ađam thứ hai của nhân loại. Và đó cũng là tiếng nói được ngỏ với tất cả mọi con cái Chúa và mong cho họ được tự do để sống giữa một thế giới đầy tăm tối.

Bỏ nhà ra đi là khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa yêu thương con người đến độ vẫn để cho con người được tự do bỏ nhà ra đi. Con người khước từ tình yêu của Thiên Chúa để bỏ nhà ra đi nhưng nó không thể ngăn cản Thiên Chúa tiếp tục yêu thương nó.

Thiên Chúa như người cha vẫn tiếp tục yêu thương và mòn mỏi đợi trông người con trở về, và âu yếm nói với nó: "Con là con yêu dấu của Cha".

Ðược Thiên Chúa yêu thương khi còn ở trong ngôi nhà êm ấm, được Thiên Chúa yêu thương khi bỏ nhà ra đi và nhất là lại càng được Thiên Chúa yêu thương hơn khi quay trở về trong vòng tay êm ấm của Người. Ðó là phẩm giá cao trọng nhất của con người. Ðó là niềm vinh dự lớn nhất của con người, bởi vì trong bất cứ tình huống nào của cuộc sống, con người vẫn luôn là người con yêu dấu của Thiên Chúa Cha.

* * *

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, xin tha thứ cho chúng con, vì đã bao phen chúng con đã bỏ nhà ra đi để tìm kiếm những phù phiếm chóng qua của cuộc sống.

Dù có khốn khổ cùng cực đến đâu, xin cho chúng con cũng luôn nghe được tiếng nói êm ái của Chúa: "Con là con yêu dấu của Cha".

Trích từ : Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
http://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau1/phut89.htm

Gã si tình bép xép

Chừng nào con mới lặng thinh để thấy được Cha đang hiện diện sống động ngay trong lòng con? đọc tiếp...

+ Trong ân sủng và hiểu biết
+ Phương pháp bí mật của Soeur đầu bếp