Skip to main content

Tôi phải làm gì?

Trước những biến cố quan trọng, trước những nguy khốn cấp bách, người ta thốt lên: Tôi phải làm gì?
Tôi phải làm gì?
Trước những biến cố quan trọng, trước những nguy khốn cấp bách, người ta thốt lên: Tôi phải làm gì?

Trước những biến cố quan trọng, trước những nguy khốn cấp bách, người ta thốt lên: Tôi phải làm gì? Gioan tiền hô xuất hiện, kêu gọi mọi người dọn đường đón Đấng Cứu thế. Dân Do thái hàng ngàn năm đã được nghe về Đấng Cứu thế. Bao nhiêu thế hệ đã khao khát mong chờ Đấng Cứu thế.

Dân chúng mong đợi Đấng Cứu thế vì nhiều lý do:


– Kẻ buồn vì đất nước bị gót giày ngoại bang chà đạp, mất tự do tín ngưỡng, mất tự do nhân phẩm, khổ vì bị bóc lột, đau vì bị áp bức. Người có chức quyền địa vị chỉ lo vơ vét ăn chơi tửu sắc, còn dân chúng sống chết mặc bay.

– Kẻ học biết Kinh thánh và những kinh sĩ chỉ lo nghiền ngẫm những lời tiên tri loan báo: Đấng Cứu thế sắp đến là “Vua được xức dầu, Ngài đến trong dòng dõi Giuda, Ngài chiến thắng quân thù, giết những vua quan ngoại bang… Đấng xức dầu sẽ tụ họp dân Ngài trong đường công chính, cai trị các quốc gia, loại trừ mọi bất công và gian ác. Phúc cho ai được sống trong thời đại ấy”. Họ nghiền ngẫm những lời ấy và suy đoán sắp đến ngày Đấng Cứu thế xuất hiện và ai ai cũng đều cầu xin Ngài đến. Giờ đây họ được nghe loan báo Ngài đang đến. Thế là như cá gặp nước, như người chết đuối vớ được phao cứu, dân chúng đổ xô đến hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì để đón rước Đấng Cứu thế?”. Gioan không bắt họ phải bỏ nghề nghiệp, địa vị, việc làm, không bắt họ lên rừng ẩn tu khắc khổ, cũng không phải ăn chay, khóc lóc, mặc áo nhặm, rắc tro lên đầu như tiên tri Giona đã bảo dân Ninivê. Gioan chỉ kêu gọi họ phải hối cải, phải kiểm tra lối sống của mình, từ bỏ bất chính, cải thiện đời sống, quyết tâm thực thi công bằng, bác ái trong chính nhiệm vụ, nghề nghiệp, chức năng riêng của mình.

Tôi phải làm gì

Vậy công bằng, bác ái là gì?


-Công bằng là gì? Qua hai lời chỉ dẫn của Gioan cho hai hạng người lính và thu thuế.

Đối với lính thì Ngài khuyên: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Lính tiêu biểu cho hạng người có sức mạnh, có quyền lực vũ khí trong tay, muốn hoành hành thế nào tùy thích, dễ ỷ mạnh hiếp yếu, đe dọa, áp bức bóc lột bất công, khó có thể sống ngay chính, vì thế Thánh Gioan đã khuyên họ: Hãy bằng lòng với số lương của mình hay số tiền do công lao chính đáng của mình làm ra, chứ đừng bóc lột, vơ vét, trộm cắp của người khác, sống công bằng như thế họ sẽ xứng đáng đón rước Đấng Cứu thế.

Lỗi đức công bằng này thì dễ biết vì nó trực tiếp làm hại người ta. Nhưng công bằng trong nhiệm vụ thì khó biết.

Công bằng trong nhiệm vụ được thực hiện trong việc thâu thuế, nên đối với người thâu thuế Gioan khuyên: “Đừng đòi gì quá mức ấn định”

Thứ nhất, mức ấn định là mức do luật pháp đã ban hành cách hợp lý, thuế quá mức là bất công.

Thứ hai, dân có mức nào thì xác định mức đó, không vì lập công mà khai thêm đánh quá.

Thứ ba, đồ tốt xấu thế nào, đánh giá đúng như thế, đừng gian dối tráo trở, tăng giảm sai sự thật là bất công.

Thứ bốn, giữ nhiệm vụ nào phải lo chu toàn nhiệm vụ ấy, lười biếng bê trễ, phung phí là bất công; làm Linh mục bê trễ là bất công; làm cha mẹ, thầy cô không lo dạy dỗ con trẻ là bất công; làm cán bộ, công chức không lo giúp đỡ dân là bất công; con cái không giúp đỡ, nghe lời cha mẹ, thầy cô là bất công. Sống công bằng thôi chưa đủ vì chỉ là mức đạo đức tối thiểu theo luật: “mắt đền mắt, răng đền răng, ác giả ác báo”. Nếu cứ ăn miếng trả miếng như thế, thì đời sống sẽ chất đầy hận thù. Sống bác ái mới đạt giá trị đạo đức đích thực. Để đáng được vui luôn trong niềm vui đón mừng Đấng Cứu thế đến, Gioan khuyên mọi người phải thực thi bác ái: “Ai có hai áo thì chia cho người không áo, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Thánh Luca đã diễn tả đúng đời sống bác ái của cộng đoàn tín hữu thời các tông đồ.

Bác ái là gì? Theo Thánh Phaolô: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ, anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành” (Rm. 12, 9). Gớm ghét điều dữ là cố gắng thanh tẩy những tâm tình bất chính, hung dữ, độc ác. Đó là vấn đề tu thân. Tha thiết với điều lành là thực hiện những điều thiện hảo, chân chính, tốt lành ơn ích cho người. Đó là vấn đề dấn thân, có tu thân mới dấn thân được, đây là hai chặng đường trên cùng một đường đức ái.

Tu thân: Đức ái đòi buộc phải tu sửa, thanh tẩy mình khỏi mắc vào thói ghen tuông, tự đắc, khoe khoang, làm điều bất chính, bất nhân, nóng giận hận thù, tư lợi, không mừng khi thấy sự ác. Đức ái cũng đòi buộc phải tu luyện, học tập những đức tính nhẫn nhục, khiêm tốn, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, vui khi thấy điều chân thật (1Cp. 13, 4-7). Đạo Nho cũng chủ trương muốn thực hiện đức nhân thì tiên vàn phải tu thân. Thân gồm tâm, ý, trí nên tu thân là chính tâm, thánh ý, trí tri. Rồi mới có thể thực hiện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo Phật cũng chủ trương muốn có tâm từ ái, từ bi, hỉ xả, cứu độ chúng sinh, tiên vàn phải diệt tham, sân, si, rồi tu tập bát chánh đạo.

Dấn thân: Sau khi đã tu thân luyện tập tâm trí nên trong sạch thì mới thấy được mặt Thiên Chúa, mới dấn thân, xả thân, hiến thân phụng sự Người. Mặt Thiên Chúa đây là tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, những người Thiên Chúa yêu thương chúc phúc. Lúc đó ta mới có thể chia áo cho người không áo, sẻ cơm cho người đói ăn… và còn sẵn sàng hiến mạng sống cho người Chúa thương. Chỉ khi đó ta mới vui với người vui, khóc với người khóc, và mùa Vọng mới là mùa reo vui, mới vui luôn trong niềm vui của Chúa, vì chính Chúa đang ngự giữa ta và bình an của Thiên Chúa mới giữ lòng trí ta được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. Amen (Bài I, II).

Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

https://www.giaophanbaria.org

Tỉnh thức đi vào thế giới mới

Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. đọc tiếp...

+ Bữa ăn thiên đàng và hỏa ngục
+ Sự quan phòng của Thiên Chúa