Skip to main content

Vững tâm

Chúng ta không thể đi những bước nhảy vọt trong cuộc sống đạo nhưng phải kiên trì phấn đấu từng bước.
Vững tâm
Trong bất cứ một dự kiến nào muốn đạt kết quả tốt, chúng ta đều phải kiên nhẫn đợi chờ mọi sự diễn tiến.
Chúng ta không thể đi những bước nhảy vọt trong cuộc sống đạo nhưng phải kiên trì phấn đấu từng bước.

Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang chờ đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện nơi đây.”

Thiên Chúa vô hình hiện diện mọi nơi và trong mọi lúc. Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ngài đã chọn để chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ. Mầu nhiệm về Thiên Chúa Ngôi Hai được hé mở từng bước. Trải qua lịch sử cứu độ, dân chúng luôn khao khát mong chờ một chung cục được tự do giải thoát. Qua từng giai đoạn, Thiên Chúa đã sai các tiên tri đến kêu gọi lòng trung tín, sự phấn chấn và khuyến khích hướng dẫn dân chúng. Tiên tri Isaia đã khơi dậy niềm hy vọng: “Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan.” (Is 35,1). Hình ảnh cảnh hoang địa trơ trọi, khô cằn và cạn nguồn mong đợi suối nguồn sự sống. Isaia khơi lên tia hy vọng của sự vui mừng và hân hoan. Dân Chúa phải trải nghiệm nhiều thăng trầm khổ ải qua các thế hệ để mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Isaia loan báo: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.” (Is 35,4).

Trong bất cứ một dự kiến nào muốn đạt kết quả tốt, chúng ta đều phải kiên nhẫn đợi chờ mọi sự diễn tiến. Vấn đề niềm tin sống đạo cũng thế, chúng ta không thể cắt bớt thời gian. Sự gì đến ắt sẽ đến. Thánh Giacôbê nhắc nhở các tín hữu: “Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu.” (Gc 5,7). Hình ảnh của bác nông phu nơi ruộng rãy cày bừa và trồng trọt là hình ảnh rất đẹp và chính xác. Chính xác cả về phẩm lẫn lượng, cả về thời gian và không gian. Kiên nhẫn đợi chờ là một đức tính tốt trong đời sống đạo. Mọi sinh hoạt của đời sống Giáo Hội trên trần thế cần phải được thử thách, tôi luyện để phát triển và trưởng thành. Thời gian là của Chúa. Mầu nhiệm ơn cứu độ được lồng vào đời sống của con người theo sự phát triển tự nhiên của xã hội loài người. Chúng ta không thể đi những bước nhảy vọt trong cuộc sống đạo nhưng phải kiên trì phấn đấu từng bước.

Sự kiên tâm sống đạo đòi hỏi mỗi tín hữu phải cố gắng không ngừng. Mời gọi tu tâm luyện tính và tập tành các nhân đức trong đời sống hằng ngày. Đời sống đạo, nếu chúng ta không gieo, lấy gì mà gặt. Trong Giáo Hội có biết bao nhiêu dòng tu, tu hội và hội đoàn, các tu sĩ nam nữ miệt mài thanh luyện đời sống trong cầu nguyện và tu thân để nên trọn lành. Là người tín hữu cũng thế, chúng ta cần trải nghiệm những thử thách, phấn đấu, kiên trì sống đạo và hành đạo. Không hy sinh khổ luyện, làm sao có thể vững bước trên đường nhân đức. Chúng ta đừng nhẹ dạ để rơi vào những hình thức kéo lôi phù phiếm và cảm xúc nhất thời. Muốn được lãnh nhận ân sủng của Chúa, chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn thanh sạch, sống đời ngay thẳng và thực hành tin yêu. Nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào những nghi thức bề ngoài thì không thể sinh hiệu quả biến đổi nội tâm. Trong hiện tại có nhiều khuynh hướng hành đạo giống như kiểu ‘mì ăn liền’. Họ nghĩ rằng cứ thực hành đủ các thủ tục nghi thức là đương nhiên sẽ nhận ân sủng nhãn tiền. Sự kiên trì tin đạo, sống đạo và hành đạo trưởng thành đòi hỏi niềm tin và cam kết nhiệt thành. Chúng ta cần vun xới và củng cố lòng tin qua mọi biến cố cuộc đời.

Ông Gioan Tẩy Giả đang bị giam giữ cũng nóng lòng muốn biết Chúa Giêsu có chính thật là Đấng Cứu Thế hay không. Ông sai môn đệ đến thưa Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” (Mt 11,2). Ông Gioan muốn các môn đệ của mình nhận biết Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa không chỉ cho riêng ông Gioan, nhưng cho các môn đệ của ông. Các ông đã an tâm nhận diện ra sứ mệnh và vai trò của Chúa Giêsu trong công cuộc cứu độ qua các dấu chỉ: Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó.” (Mt 11,4-5). Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi lời mà các tiên tri đã loan báo về Ngài.

Các dấu hiệu từ trời cao với quyền năng của Chúa đã đem lại hiệu quả thực sự biến đổi môi trường và chữa lành toàn diện con người. Suốt dọc lịch sử nhân loại, từ tạo thiên lập địa, ngoài Chúa Giêsu Kitô, không có vị nào có thể trực tiếp thực hiện các phép lạ từ chính sức mạnh nội tâm của mình. Biết rằng đôi khi Thiên Chúa cũng trao ban các đặc sủng cho một số vị tổ phụ và các thánh như Thánh Gioan Vianney, Piô Năm Dấu quê ở Pietrelcina, Antôn Pađua, Vinh Sơn Ferrier…, các ngài có thể thực hiện một số việc lạ lùng trong giới hạn. Các thánh sống là những người có đời sống kết hợp sâu xa, chuyên tâm ăn chay, cầu nguyện và chìm đắm trong ân sủng của Chúa. Những trường hợp có sự lạ ngoại thường này cũng rất hiếm xảy ra trong đời sống Giáo Hội. Các phép lạ của Chúa Giêsu là dấu chỉ của Tin Mừng cứu độ. Tuy nhiên, qua mọi thời, đều có những người tự thần thánh hoá chính mình để chiêu hồn người khác. Họ cũng không khác gì các tiên tri giả và những nhà làm ảo thuật đại tài dùng kỹ xảo để dễ dàng qua mắt mọi người. Chúng ta phải luôn cảnh giác và tỉnh thức học hỏi kỹ lưỡng những hình thức mị dân này. Họ không phải là Chúa có uy quyền biến đổi chữa lành thân xác và linh hồn, mà chỉ có thể tạo gây cảm giác thân, sinh, lý và xúc động tâm linh nhất thời chóng qua.

Chúa Giêsu xác nhận Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô dọn đường: “Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: ‘Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con.’” (Mt 11,10). Gioan được vinh dự giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Biết bao người đã nghe Chúa giảng, gặp gỡ và nhận lãnh các dấu lạ nhưng có mấy người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Trong đám đông theo Chúa, có người chỉ tò mò nhìn xem cho biết, có người chỉ muốn được nhận lãnh ân huệ và có người ùa theo đám đông vì hiếu kỳ. Đâu có mấy người thực sự muốn đi theo Chúa để thực sự đổi đời và canh tân cuộc sống. Xưa cũng như nay, tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì dân Dothái xưa. Chúng ta nghe, đọc, viết và suy gẫm thật nhiều lời của Chúa, các giáo huấn của Giáo Hội và chứng kiến biết bao sự lạ lùng trong cuộc sống nhưng mấy ai tin theo Chúa cho trọn.

Lạy Chúa, đời sống đạo của chúng con hầu như vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Tinh thần thì nguội lạnh và mệt mỏi, còn thân xác nặng nề và yếu đuối kéo lôi chúng con lùi bước. Chúng con chỉ tìm kiếm sự hơn thua ở đời trọc này mà quên đi sứ mệnh cao cả là mong tìm ơn cứu độ. Thánh Giacôbê nhắc nhở: “Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa.” (Gc 5,9).

Cho Chúa một cơ hội

Sám hối chính là dành cho Chúa Kitô cơ hội để Người thanh tẩy tâm can, thay đổi con người, nhất là để Người biến những tâm tình và ước muốn của chúng ta nên giống những tâm tình và ước muốn của Người. đọc tiếp...

+ Cầu nguyện vì cái gì ?
+ Khi Người không đáp trả