Skip to main content

Bạn có phải là Đức Giêsu không?

Có lẽ đã không ít lần tôi hỏi Chúa: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không, hay tôi phải tìm đến người nào khác?
Bạn có phải là Đức Giêsu không?
Có lẽ đã không ít lần tôi hỏi Chúa: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không, hay tôi phải tìm đến người nào khác?

Trong một lớp học giáo lý dành cho các em lớp Sáu mới chuyển cấp, một thầy giáo muốn dạy về Chúa Giêsu nên khai mào bằng những lời sau đây: “Hôm nay thầy muốn giới thiệu với các em về một nhân vật mà tất cả chúng ta đều phải gặp mặt. Nhân vật đó là một người rất yêu thương và quan tâm đến các em còn hơn cả cha mẹ, anh chị, hay bạn bè của các em. Ngài là người rất nhân từ và sẵn sàng tha thứ cho dù lầm lỗi của các em có khủng khiếp đến đâu đi chăng nữa. Dù các em có xấu xa thế nào thì ngài vẫn đón nhận, cảm thông và yêu mến.”

Đang khi nói, thầy giáo để ý thấy một đứa bé chăm chú lắng nghe và tỏ vẻ thích thú lắm. Thế rồi, dường như không cầm lòng được, cậu ta buộc miệng thốt lên: “Ồ, em biết thầy đang nói về ai rồi. Có phải là cha quản nhiệm của chúng ta không?”

Chẳng biết thầy giáo trả lời với em bé thế nào, nhưng câu nói của em đã khiến tôi giật mình. Em đã nhìn thấy nơi vị linh mục quản nhiệm hình ảnh của Đức Giêsu mà thầy giáo đang muốn trình bày. Không biết các hành vi, thái độ, lối sống nơi con người tôi có làm toát lên dung mạo của Đấng Cứu Thế không? Người ta sẽ thấy và nghĩ tôi là ai, một người có Chúa Giêsu hay một kẻ vô đạo?

Bạn có phải là Đức Giêsu không
Ngày xưa, khi Gioan sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”, Ngài đã không trả lời bằng những câu rất dễ như: “Đúng vậy” hay “Ta là Đấng các ngươi mong chờ.” Trái lại, Đức Giêsu đã hướng hai ông đến với các việc Ngài làm. Những gì mà xưa kia Isaia tiên báo về Đấng Cứu Thế thì nay đang thành sự. Ấy là: “Mù được sáng mắt, què được đi, phong hủi được sạch, điếc được nghe, kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được loan báo tin vui.”

Đúng là trăm nghe không bằng mắt thấy. Lời nói dễ hơn việc làm, nhưng hành động mới chinh phục mạnh hơn ngôn từ. Đức Giêsu đã khẳng định Ngài là Đấng phải đến không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động. Và Ngài mời gọi hai môn đệ hãy nhìn vào bao sự lạ lùng đang xảy ra để thuật lại cho Gioan, hầu củng cố niềm tin của ông vào Đức Mesiah.

Chắc hẳn niềm tin này không mang ông ra khỏi bao tù của vua độc tài và gian dâm Hêrôđê, người đã loạn luân khi lấy vợ của anh mình; niềm tin đó cũng chẳng giúp ông thoát được cái chết đớn đau cô độc, nhưng nó lại có sức trợ lực ông vững bước đến cùng trên hành trình rao giảng và bênh vực cho Chân lý. Đây là phúc lộc lớn lao mà Đức Giêsu muốn trao tặng cho vị tiền hô của mình: “Phúc cho người không vấp ngã vì Ta.” (Mt 11:6)

Có thể nhiều khi trong đời, tôi phải trải qua những bế tắc của chốn “lao tù” thế gian, chung quanh chỉ là bóng tối của khốn khổ lao đao. Nào là tai ương ập xuống, vợ chồng mất việc, tài sản hư hao, con cái bệnh tật… rồi bao cảnh trái tai gai mắt dường như muốn đánh gục niềm tin của chính mình. Và có lẽ đã không ít lần tôi hỏi Chúa: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không, hay tôi phải tìm đến người nào khác? Có lẽ thầy này, bà kia, hay chiêm tinh gia này, tử vi bói toán nọ còn có thể cứu tôi, chứ theo Đức Giêsu… sao chẵng thấy được gì.” Phải chăng không ít lần tôi cũng đã đặt vấn đề như thế?

Trước bao tăm tối và nghi nan nơi ngục tù, lời nói của Chúa Giêsu – “Phúc cho người không vấp ngã vì Ta” đã trở thành lời an ủi khích lệ lớn lao cho Gioan. Cuối cùng, ông đã đóng trọn vẹn vai trò tiền hô cho Đấng Cứu Thế bằng những giọt máu hành anh của mình.

Không mong được giải thoát bằng phép lạ, nhưng chỉ khát khao được đỡ nâng để đi đến cùng hành trình đức tin của mình chính là mẫu gương cho tôi nhắm tới. Khi nền luân lý bị nhiễu nhương, khi đam mê xác thịt quật ngã bao lớp người, khi tình trạng rối vợ rối chồng xảy ra như cơm bữa, tôi phải có can đảm lội ngược dòng đời, dù như thế sẽ bị cô độc lẻ loi, dù như thế sẽ bị giam hãm đọa đày, nhưng chỉ có sống như thế, tôi mới làm sáng tỏ dung nhan Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.

Nói tôi có đạo, dễ quá. Chứng minh tôi có niềm tin vào Thiên Chúa bằng lối sống ngay chính và bằng hành vi yêu thương quả là một thách đố không nhỏ bé gì.

Song, “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi,” ngôn sứ Isaiah đã nói như thế, bởi vì rồi đây “Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy (ánh quang chân lý), tai người điếc sẽ được nghe (Tin mừng cứu độ), người què sẽ nhảy như nai (trên lối đường công chính)…người ta sẽ hoan hỉ triền miên và vui mừng khoái trá. Họ sẽ không còn đau buồn nữa, và rên siết sẽ trốn xa.” (Is 35)

Sự đỡ nâng lớn lao nhất cho người Kitô hữu chính là Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ai siêng năng rước Chúa sẽ nhận được sức mạnh vượt thắng bao giông tố của dòng đời. Ai thường xuyên tiếp đón Ngài sẽ được trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, và lúc ấy, “Tôi sống nhưng không phải tôi sống nhưng Đức Kitô sống trong tôi.” (Ga 3:20)

Kitô hữu, bạn là ai?

Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở nên những con người của niềm vui và đem niềm vui của Chúa đến cho người khác. đọc tiếp...

+ Chúa đó
+ Thiên Chúa có kêu gọi bạn ?