Skip to main content

Tìm ý nghĩa cho cuộc sống

Hãy nhìn vào cuộc sống với đôi mắt tin tưởng và lạc quan dù phải trải qua trăm nghìn lao đao vất vả.
Tìm ý nghĩa cho cuộc sống
Tìm được một ý nghĩa cho cuộc sống là điều quan trọng nhất đối với con người. Sống mà không biết tại sao mình sống. Sống mà không biết sống để làm gì. Sống mà không biết sẽ đi về đâu là điều bất hạnh nhất đối với con người.

Vào thời Trung cổ, một tín hữu Kitô nọ hứa sẽ đi hành hương đến một nhà thờ được xem là cổ kính nhất trong đất nước của mình.

Sau vài ngày đi bộ, người đó lạc vào một khu rừng núi nắng cháy khô cằn và hiểm trở. Tuy vậy, hai bên đường vẫn có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn.

Người khách hành hương mon men đến gần người thợ, mồ hôi chảy nhễ nhãi trên tấm thân gầy của người thợ đập đá khiến cho người khách hành hương càng thương cảm, nhưng khi người khách hành hương gợi chuyện, người thợ đập đá trả lời một cách nhát gừng:

- Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà còn hỏi.

Người khách hành hương tìm đến với người thứ hai, người này lại càng có dáng vẻ mệt nhọc hơn. Ðược hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời:

- Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi xót con mắt là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.

Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác, người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém hai người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Ðến gần, người khách hành hương lên tiếng hỏi:

- Ông đang làm gì đó.

Người đàn ông nhìn cười và vui vẻ đáp:

- Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường.

Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.

Quý vị và các bạn thân mến,

Tìm được một ý nghĩa cho cuộc sống là điều quan trọng nhất đối với con người. Sống mà không biết tại sao mình sống. Sống mà không biết sống để làm gì. Sống mà không biết sẽ đi về đâu là điều bất hạnh nhất đối với con người.

Chúa Giêsu đã đến trong thế gian và Ngài đã tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống và sống một cách sung mãn cuộc sống tại thế này.

Ngài sống trọn từng thực tế của cuộc sống con người. Ngài đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống như là hồng ân của Thiên Chúa, ngay cả đau khổ và cái chết Chúa Giêsu cũng đón nhận. Ngài đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, tự nó đau khổ và cái chết không phải là một giá trị.

Thiên Chúa hẳn không tạo nên sự dữ để đày đọa con người, chính con người do tội lỗi đã tạo nên đau khổ cho chính mình, nhưng Thiên Chúa quyền năng và khôn ngoan đã biến đau khổ và cái chết thành nguồn ơn cứu thoát cho con người qua cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Thiên Chúa muốn nói với con người rằng: Tình yêu mạnh hơn sự chết. Rằng, cái chết cũng như mọi khổ lụy thất bại trong cuộc sống không phải là ngõ cụt mà là cửa ngõ dẫn đến vinh quang và sự sống. Ðó là cái nhìn mới mẻ mà Chúa Giêsu mang lại cho con người.

Từ nay con người được mời gọi đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống như hồng ân của Thiên Chúa.

Từ nay con người được mời gọi nhìn vào cuộc sống với lạc quan và tin tưởng. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán được xem như những hạt giống của hy vọng và sẽ trổ sinh hoa trái trong ngày mùa sau hết. Những thất bại khổ đau là khởi đầu của muôn hồng ân dồi dào mà Thiên Chúa sẽ ban cho con người bởi vì tất cả đều là ân sủng của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn vào cuộc sống với đôi mắt tin tưởng và lạc quan dù phải trải qua trăm nghìn lao đao vất vả.

Xin cho chúng con luôn biết đón nhận và trân trọng từng phút giây trong cuộc sống. Xuyên qua từng biến cố của cuộc sống, xin cho chúng con cảm nhận được sự quan phòng của Chúa. Amen.

Trích từ : Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
http://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau4/4phut068.htm