Skip to main content

Phê bình chính mình

Nhiều khi ta không tiếc lời chê bai việc làm và lời nói của người khác; trong khi đó thì ta lại đề cao, phóng đại những việc mình làm.
Phê bình chính mình
Ta dễ dàng chê bai, lên án tật xấu của người khác, nhưng không ngờ ta lại chê bai, lên án chính mình.


Có một vị công tử tìm đến một họa sĩ nổi tiếng để mướn vẽ chân dung mình.

Sau vài tháng, công tử được báo tin bức chân dung đã vẽ xong. Vị công tử vội vàng đến nơi làm việc của họa sĩ để nhận bức họa.

Rủi một điều, khi công tử đến thì nhà họa sĩ bận việc không thể ra đón tiếp được. Vị công tử đi dọc theo hành lang để ngắm những bức họa được trưng bày nơi đó và bỗng dừng lại nơi một bức họa chân dung. Công tử ngắm nghía, vẻ mặt khinh khi. Khi vừa thấy họa sĩ bước đến thì công tử vội vàng phê bình như sau:

- Này họa sĩ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy bức chân dung của một người xấu xí như vậy.

Làm chủ được sự luống cuống, người họa sĩ bình tĩnh trả lời:

- Nhưng thưa công tử. Ðây là bức chân dung của công tử đó.

Quý vị và các bạn thân mến,

Ðây là bức chân dung của công tử. Buồn thay cho vị công tử trong câu chuyện vui vừa kể trên. Nếu trước đó đã nhận ra bức họa chân dung là của mình thì có lẽ vị công tử này sẽ không lên tiếng chê bai nặng lời như vậy. Nếu không biết được chân dung thể xác thì làm sao biết được chân dung tinh thần của mình: "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng".

Nhiều khi ta không tiếc lời chê bai người khác, chê bai việc làm và lời nói của kẻ khác; trong khi đó thì ta lại đề cao, phóng đại những việc mình làm. Gặp trường hợp không thể nào khen được vì lời nói hay việc mình làm quá tệ, thì ta lại tìm cách giải thích biện hộ, hoặc làm ngơ che đậy. Một thái độ tinh thần như vậy chắc chắn không thể nào giúp ta thăng tiến đời sống của mình, và lại càng không phù hợp với tinh thần Kitô. "Thưa công tử, đây là bức chân dung của công tử".

Ta dễ dàng chê bai kẻ khác, nhưng lại không ngờ chính lúc đó ta lại chê bai chính mình. Ta lên án tật xấu của người khác, nhưng không ngờ lại lên án chính mình. Ðó cũng là điều đã xảy ra đối với vua Ðavít khi nghe Tiên tri Nathan kể lại chuyện người nhà giàu có tất cả mọi sự, chiên dê đầy đàn mà lại đi hiếp đáp kẻ nghèo cô thế để cướp đi một con chiên cái nhỏ, nguồn sống duy nhất của người nghèo này (x. 2 Samuel 12:1-7). Nghe Tiên tri Nathan kể lại sự việc, vua Ðavít đã nóng giận, kết án người giàu ỉ lại quyền thế kia là đáng chết. Nhưng Tiên tri Nathan đã nói với vua Ðavít:

- Thưa nhà vua, người giàu có kia chính là ngài.

Tiên tri muốn nhắc đến việc làm của vua Ðavít âm mưu giết chết viên tướng Uria (2Samuel 11:2-27), để đoạt lấy vợ của viên tướng về làm vợ của mình. Ðây có thể nói là thái độ mà Chúa Giêsu sau này dạy cho các đồ đệ của mình: "Chúng con đừng lo lấy cọng rác nhỏ nơi mắt anh chị em mà quên đi một cái đà to lớn nơi chính mắt mình" (Lc 6:41-42). Hãy canh tân đời sống mình trước để rồi mới có thể giúp anh chị em xung quanh mình thăng tiến cuộc sống của họ.

Cũng chính trong tinh thần của lời dạy này mà Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu Galat như sau:

"Thưa anh chị em, nếu có ai phạm tội gì, thì anh chị em là những người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, anh chị em hãy lấy lòng hiền từ mà khuyên răn kẻ ấy và chính anh chị em cũng phải ý tứ, vì anh chị em cũng có thể bị cám dỗ, hãy nhịn nhục chịu đựng lẫn nhau. Như vậy là anh chị em giữ trọn lời luật Chúa Kitô. Nếu ai nghĩ mình là cao trọng mà thực ra kẻ ấy chỉ là hư vô thì là tự lừa dối mình, chúng ta hãy làm việc đó luôn. Vậy đang lúc còn thời giờ, chúng ta hãy làm việc thiện cho mọi người, nhất là cho các anh chị em cùng một đức tin như ta. (Galat 6:1-3.10)

Lạy Chúa, xin cho con biết rõ chính con, và giúp con canh tân đời sống mình luôn mãi để làm sáng danh Chúa và phục vụ anh chị em một cách thiết thực. Amen.

Trích từ : Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
http://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau4/4phut020.htm

+ Hậu quả của lời nói
+ Những lời hạnh phúc