Skip to main content

Sống 7 ơn Chúa Thánh Thần mỗi ngày

Trong Mầu Nhiệm Cao Cả của Ba Ngôi Cực Thánh, chúng ta có mối tương quan khác nhau với mỗi Ngôi vị.
Sống 7 ơn Chúa Thánh Thần mỗi ngày
Vào ngày cuối và cao điểm của Mùa Phục Sinh — 50 ngày sau Lễ Phục Sinh — Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Trong Mầu Nhiệm Cao Cả của Ba Ngôi Cực Thánh, chúng ta có mối tương quan khác nhau với mỗi Ngôi vị.
Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
- Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Theo: catholic-link.orgcatholicexchange.com (25/5/2022)
Nguồn: giaophanvinhlong.net

Vào ngày cuối và cao điểm của Mùa Phục Sinh — 50 ngày sau Lễ Phục Sinh — Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Trong Mầu Nhiệm Cao Cả của Ba Ngôi Cực Thánh, chúng ta có mối tương quan khác nhau với mỗi Ngôi vị. Giống như nhiều Kitô hữu, chúng ta có sự hiểu biết, gắn bó với Chúa Giêsu, và chính Chúa Giêsu hướng chúng ta đến Chúa Cha, dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha và yêu mến Chúa Cha. Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta, Chúa Thánh Thần, theo một nghĩa nào có vẻ vẫn còn là điều mơ hồ, bí ẩn, và thực, rất hay lãng quên Ngài!

Trên thực tế, nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con cái của Chúa Cha; là anh chị em của Chúa Giêsu; là những người bạn thân thiết của Chúa Thánh Thần và được lãnh nhận đầy tràn 7 Ân sủng của Chúa Thánh Thần. Và rồi, với Bí tích Thêm sức, 7 Ân sủng này càng được củng cố và là nguồn soi sáng, hướng dẫn chúng ta trong hành trình đức tin.

Cảm nhận như vậy, thì đây là thời điểm rất thích hợp để chúng ta ý thức sâu hơn sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong vũ trụ, trong Giáo Hội, và nhắc chúng ta sống động hoá nguồn mạch 7 ơn thánh của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

1 Ơn Khôn ngoan

Ơn khôn ngoan đề cập đến khả năng đặc biệt trong việc đánh giá sự vật của con người theo nhãn quan của Thiên Chúa, và dưới ánh sáng của Thiên Chúa. Được soi sáng bởi ơn thánh này, chúng ta có thể nhìn sâu hơn vào những thực tế xung quanh và khám phá nhiều điều trong thâm tâm, không chỉ hạn hẹp là những gì chúng ta ưa thích một cách ích kỷ và chủ quan. Vì vậy, chúng ta không còn đánh giá sự vật theo các tiêu chí nhất thời, hời hợt và tự cao tự đại của mình nữa nhưng theo các tiêu chuẩn của Tin Mừng. Nói cách khác, chúng ta nhìn mọi vật như cách Thiên Chúa nhìn!

Xin Ơn Khôn Ngoan của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong các mối tương quan của mình, để đừng bao giờ co cụm trong lối nghĩ, lối sống phiếm diện, hạn hẹp.

2 Ơn Suy Biết

Với ơn suy biết, mở ra cho tâm trí nhận thức sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và nhận ra giá trị đích thực của thụ tạo trong mối tương quan với Đấng Tạo Thành. Nhiều khi đứng trước kỳ quan và vẻ đẹp của thiên nhiên, chúng ta không nghĩ đến bất cứ điều gì khác ngoại trừ bản thân mình.

Do đó, thử thách của chúng ta là có thể trải nghiệm điều kỳ diệu, có thể ngạc nhiên trước thiên nhiên kỳ thú, và dám bước ra ngoài thế giới tự cao tự đại của mình. Khi làm như vậy, chúng ta có thể khám phá ra Thiên Chúa trong thụ tạo, và tình yêu vĩnh cửu của Ngài dành cho con người.

Xin Ơn Suy Biết của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ý thức về sự hiện diện yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong mọi hoàn cảnh, và ngay cả trong những thất bại, mất mát, khó khăn hàng ngày của cuộc sống.

3 Ơn Biết Lo Liệu

Ơn lo liệu là cầu nối giữa Trí tuệ và Ý chí nhằm hoàn thiện phẩm chất đạo đức trong ý thức của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấy và phân biệt điều gì là tốt, điều gì làm chúng ta hạnh phúc và điều gì là thuận tiện nhất để có được sự thận trọng khi quyết định.

Chúng ta vẫn thường phải đối diện với những quyết định quan trọng trong cuộc sống của mình và của những người khác. Khi họ tình cờ yêu cầu sự giúp đỡ của chúng ta, đôi khi chúng ta không biết chính xác phải nghĩ gì, phải nói gì hoặc hành động như thế nào. Đây là lúc chúng ta nên mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần đang sống trong chúng ta! Với sự cởi mở này, chúng ta sẽ có thể nhận thức, đưa ra lời khuyên tốt và biết cách hành động.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết lo liệu để có thể cân nhắc đúng, quyết định đúng, và hành động đúng theo giá trị của Tin Mừng.

4 Ơn Sức Mạnh

Ơn sức mạnh mang lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm thúc đẩy chúng ta kiên nhẫn với bản thân và cho phép chúng ta can đảm sống theo những gì Thiên Chúa muốn. Với ơn thánh này, chúng ta học cách chờ đợi thời điểm của Chúa chứ không phải thời điểm của mình, nhất là khi đối diện những khó khăn, hoặc những khoảnh khắc chúng ta phải chống lại những đam mê bên trong và áp lực bên ngoài.

Chẳng ai trong chúng ta có thể tự hào rằng mình luôn mạnh mẽ, mình luôn vượt thắng mọi cám dỗ. Một trong những thực tế chúng ta cảm nghiệm rõ nhất trong cuộc đời đó là chúng ta rất yếu đuối, và chúng ta cần sức mạnh của Chúa đến nhường nào. Trong những tình huống này, chúng ta đừng bao giờ ngần ngại nài xin sự trợ giúp của ơn thánh. Và, nếu có gục ngã, sai phạm, hãy để những thất bại dạy chúng ta bài học về sự khiêm tốn và sự tự tin lành mạnh để ngày càng tín thác vào Chúa hơn.

Xin Ơn Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần thấm nhuần và tiếp thêm sức mạnh cho toàn bộ con người, để chúng ta không chỉ đơn giản chịu đau khổ, mà còn để thánh hóa những đau khổ, nhờ đó, chúng ta thánh hóa bản thân, Giáo Hội, gia đình, cũng như toàn thế giới.

5 Ơn Thông Hiểu

Ơn thông hiểu liên kết với ơn khôn ngoan giúp hoàn thiện trí tuệ, thúc đẩy chúng ta học hiểu Lời Chúa và đào sâu những chân lý để hiểu được ý nghĩa thực sự và ý nghĩa của Tin Mừng trong cuộc sống.

Một cách cụ thể, ơn thánh này thấm nhuần và hướng dẫn chúng ta chống lại tinh thần thế tục và tất cả những điều dối trá xuất phát từ những nhận định, đánh giá thiển cận, sai lầm. Ví dụ, đã có bao giờ chúng ta thấy việc tham dự Thánh lễ thật nhàm chán, vì: linh mục giảng không hay; bài đọc Sách thánh quá xa vời, phức tạp; âm nhạc quá tệ; hoặc những người xung quanh thực sự khó chịu… và sau đó chúng ta chẳng làm bất cứ điều gì để thay đổi sự phàn nàn của mình?

Đừng chỉ hài lòng và gắn bó với những điều chúng ta đã học khi còn nhỏ! Kinh nghiệm cho thấy rằng niềm tin của chúng ta được củng cố hơn khi chúng ta mở lòng để hiểu nhiều hơn, và càng đào sâu, càng đầu tư nhiều thời gian vào việc học hiểu các chân lý trong đạo, chúng ta càng thấy mình được mời gọi để sống thánh thiện hơn, khiêm tốn hơn, vị tha hơn.

Xin Chúa Thánh Thần mở lòng và ban cho chúng ta ơn thông hiểu mỗi khi chúng ta thấy đức tin và việc thực hành sống đạo nhàm chán, thiếu thuyết phục.

6 Ơn Đạo Đức

Ơn đạo đức chữa lành trái tim của chúng ta khỏi mọi sự chai cứng và giúp chúng ta trở nên dịu dàng hơn trong mối tương quan với Thiên Chúa và với người khác. Ơn đạo đức ngụ ý rằng chúng ta cần biết đặt mình vào vị trí của người khác, để cảm nhận giống như người ấy.

Chẳng hạn như, khi nhận ra rằng Thiên Chúa luôn quan tâm và muốn những gì tốt nhất cho chúng ta mọi lúc mọi nơi, thì chúng ta có thể tự vấn: Làm sao để tôi có thể cảm nhận được những gì mà chính Thiên Chúa cảm nhận? Chỉ bằng cách là cố gắng yêu mến Ngài! Và làm thế nào để tôi có thể yêu Ngài nhiều hơn? Bằng cách yêu thương người khác, ngay từ những điều nhỏ nhặt: qua việc chia sẻ, khích lệ; qua việc dám bước ra ngoài vùng an toàn của mình để giúp đỡ người khác; qua việc không còn tìm cách chứng minh rằng mình luôn đúng và người khác sai,... Đây là con đường dẫn đến một tình yêu phổ quát đối với nhân loại, bởi vì tất cả chúng ta đều là anh chị em và được yêu thương bởi cùng một người Cha nhân từ.

Xin Ơn đạo đức của Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta sống gắn bó với Chúa, để từ đó, chúng ta cũng sống ý nghĩa tương quan với người khác trong sự đồng cảm, chia sẻ, và phục vụ cách quảng đại, chân thành và khiêm tốn.

7 Ơn Kính Sợ Chúa

Ơn kính sợ Chúa soi sáng cho chúng ta nhận thức sâu sắc về sự thật rằng tất cả chúng ta đều rất yếu đuối. Kinh Thánh dạy rằng: "Kính sợ Chúa là đầu mối của sự khôn ngoan" (Cn 9, 10). Ở đây, kính sợ Chúa không có nghĩa là vì Ngài là một kẻ báo thù và luôn tìm cách trừng phạt. Nhưng có nghĩa là, chúng ta nhận thức được tội lỗi và sức nặng của tội lỗi, và nhất là, nếu không có ơn thánh, thì chúng ta không chỉ có khả năng phạm tội mà còn phạm tội một cách rất dễ dàng, nhanh chóng và nghiêm trọng.

Ngoài ra, kính sợ Chúa cũng có nghĩa là tin tưởng vào Lòng Thương Xót của Ngài. Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta không bao giờ muốn cha mẹ nổi giận với mình. Không phải vì sợ hãi mà là vì chúng ta buồn và cảm thấy có lỗi khi đã làm cho cha mẹ thất vọng hoặc đau khổ. Kính sợ Thiên Chúa còn ngụ ý rằng chúng ta sẵn sàng dâng hiến mọi sự cho Thiên Chúa, để Ngài chiếm trọn trái tim và con người của chúng ta đến nỗi không có người nào, vật nào quan trọng hơn Thiên Chúa.

Một cách thế tuyệt vời để sống Ơn kính sợ Chúa là thường xuyên đến với bí tích hòa giải và bất cứ khi nào chúng ta cần.

Xin cho chúng ta có được ơn kính sợ của Chúa Thánh Thần, để chúng ta không chỉ biết khiêm tốn cậy dựa vào Chúa thay vì dựa vào sức mạnh, tài trí và sức lực của chính mình mà còn biết tránh phạm tội và để không đánh mất Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

* * *

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin chiếm đoạt trọn vẹn tâm trí con bằng ngọn lửa của Ngài, để đừng ý hướng hỗn loạn, sai lầm nào có thể ngăn cản con trở thành môn đệ trung tín của Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và Sự Sống;

Xin thắp sáng trong trái tim con ngọn lửa bừng cháy tình yêu đối với tha nhân, để đừng sự hèn nhát, ích kỷ nào có thể làm chùn bước chân, khép lại cánh tay khiến con từ khước sống sự thật theo giới luật yêu thương cao cả mà Chúa Giêsu đã truyền dạy;

Xin biến cuộc đời con thành ngọn lửa mạnh mẽ, cháy sáng cho Ngài, để đừng có bất kỳ khó khăn, thử thách, chán nản nào làm lụi tàn nguồn 7 ơn thánh mà Ngài đã rót vào tâm hồn con khiến con từ chối tham dự vào tình yêu thương vô bờ, vô điều kiện của Thiên Chúa trong từng ngày sống của của con.

Vâng, Lạy Ngôi Ba Chí Thánh, xin hãy ngự đến!

Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP - Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholic-link.orgcatholicexchange.com (25/5/2022)
https://giaophanvinhlong.net/song-7-on-chua-thanh-than-moi-ngay.html