Skip to main content

Kinh nghiệm về sự phản bội

Cái kinh nghiệm bị phản bội chả phải là kinh nghiệm của riêng ai. Phận làm người, chắc có lẽ ai ai cũng qua một vài lần hay nhiều lần kinh nghiệm.
Kinh nghiệm về sự phản bội
Cái kinh nghiệm bị phản bội chả phải là kinh nghiệm của riêng ai. Phận làm người, chắc có lẽ ai ai cũng qua một vài lần hay nhiều lần kinh nghiệm.
Tác giả: Lm Anmai, CSsR
www.thanhlinh.net

Là người, chả ai muốn mình phải rơi vào những cảnh huynh đệ tương tàn. Đơn giản là sau sự tương tàn đó là biết bao nhiêu hệ lụy kèm theo và dĩ nhiên hệ lụy đó đều không tốt. Cái tình huynh đệ, cái tình người mà người ta dành cho nhau nay bị phản bội thì quả là điều đau đớn.

Qua mỗi lần bị phản bội, con người được lớn lên, được vững chãi hơn để bước đi lên phía trước. Thế nhưng rồi kèm theo đó là những sự dè dặt vì nỗi đau còn buốt trong lòng mình.

Ngày nay, ta thấy nhiều và nhiều cảnh tương tàn cũng như phản bội với nhau trong cuộc sống. Trước tiên và gần nhất đó là sự tương tàn, sự phản bội trong tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ, con cái và bạn bè.

Có những cặp đôi ta thấy khi cưới nhau xem chừng ra hoàn hảo. Thế nhưng rồi chỉ vài năm chung sống họ trở thành cặp đôi hoàn cảnh. Tình trạng hôn nhân, tình cảm gia đình của họ ra như vậy chính vì họ phản bội nhau, họ không còn tin nhau và yêu nhau nữa. Kéo theo là tình trạng của hận thù và có người không muốn nhìn mặt nhau dù trước đó họ thề non hẹn biển và thề sống chết có nhau. Khi phản bội rồi họ lại quyết tâm sống chết với nhau.

Trong tương quan của tình bạn cũng thế. Nhiều người vẫn nhắc đi nhắc lại châm ngôn sống của tương quan tình bạn là đừng để dính tiền bạc vào tương quan của tình bạn. Tình bạn sẽ mất đi khi có mùi tiền.

Thực tế, tận mắt tôi chứng kiến sự tương tàn của những mối tương quan hay phản bội nhau vì tiền. Khi còn moi được thì dường như họ thắm thiết với nhau. Đến khi bên kia không còn là nơi mà họ trục lợi nữa thì họ âm thầm lặng lẽ rút lui và không hề hẹn ngày tái ngộ. Câu chuyện dĩ nhiên chẳng dính dáng gì đên tôi nhưng tôi vẫn thấy tiếc nuối cho mối tương quan, cho tình bạn bởi lẽ trước đó thì họ khắng khít với nhau.

Đúng như người xưa nói : “Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử. Hết tiền, hết bạc, hết thầy tôi”.

Chả biết có đúng không khi lấy tiền và quyền lực ra để như là quỳ tím thử mối tương quan tình bạn, tình vợ chồng, tình con cái, tình máu mủ ruột thịt và đủ mọi thứ tình. Khi còn tiền thì kẻ đón người đưa. Khi còn quyền thì cũng vậy. Một khi không còn những thứ đó, những thứ mà người ta không lợi dụng được nhau nữa thì người ta sẵn sàng phản bội nhau.

Cái kinh nghiệm bị phản bội chả phải là kinh nghiệm của riêng ai. Phận làm người, chắc có lẽ ai ai cũng qua một vài lần hay nhiều lần kinh nghiệm. Mình tin tưởng, mình trao gửi tất cả những gì thầm kín bí ẩn nhất cho người mình thương và yêu nhưng rồi đến một ngày nào đó người đó lại tung hết những gì xem chừng ra bí mật của đời mình.

Thật sự, ai ai cũng muốn giữ tình bạn, tình vợ chồng, tình gia đình, tình thân với nhau trọn vẹn và bền lâu để rồi đầu tư vào những tình thân đó. Tiếc thay một khi sự đầu tư ấy không đúng chỗ và bị phản bội. Thật cay đắng bởi lẽ mình đã hết lòng trao hết cho người mình tin và yêu để rồi mình nhận lại cái kết thật cay đắng. Thế cho nên, người ta hay thường nói đùa nhưng mà lại thật : “Mình chơi với bạn hết mình nhưng bạn chơi lại với mình hết hồn”.

Có lẽ cái kinh nghiệm về sự phản bội của con người dành cho nhau không ai đau cho bằng Thầy Giêsu. Chuyện kể về Thầy Giêsu bị chính người môn đệ thân yêu phản bội vẫn còn đó như là kinh nghiệm sống cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Bao nhiêu năm trời, tình thầy trò ủ ấp cho nhau và với nhau để rồi đến một ngày kia trò bán Thầy với giá 30 đồng bạc. Thầy đã uống chén đắng hay nói cách khác là Thầy chết trong tay trò với cái giá rẻ mạt.

Nhìn lên cây Thập Giá, chiêm ngắm Con Người chịu treo trên đó thật kỹ ta lại thấy được rằng từ trên cao ấy Chúa nhìn xung quanh tình đời bạc đen người người hờn ghen Chúa gục đầu đơn côi. Khi và chỉ khi ta cảm được nỗi đau của Chúa thì ta sẽ cảm nhận được lòng dạ của con người cùng với sự phản bội của con người. Dù trước đó, Chúa đã làm điều thiện, điều tốt cho con người nhưng lòng người vẫn tráo trở và bất nhân.

Nhìn như vậy, chiêm ngắm như vậy để ta thấy rằng chính Chúa còn bị lừa, bị phản bội thì ta có là gì đâu mà ta không bị phản bội. Có điều từ cái kinh nghiệm ấy ta đừng làm người khác tổn thương như những người đã phản bội Chúa.

Những ai đã hơn một lần bị người thân quen, người nhà, người tình hay người vợ người chồng bị phản bội sẽ cảm thấy đau hơn ai hết. Qua sự phản bội đó, họ thấm thía về cái nghĩa của cuộc đời để rồi họ bước về phía trước bằng những bước chân của sự dè dặt, của sự thận trọng trong mọi mối tương quan.

Những ai đã dễ tin, những ai mềm lòng trước tình cảm của người khác có lẽ là người dễ bị tổn thương nhất nếu khi bên kia bị phản bội. Sau những lần như thế, họ dường như khép kín mối quan hệ và tương quan lại vì lẽ họ không lường trước những nỗi đau do người khác mang đến.

Với tôi, cái kinh nghiệm hay nói cách khác là xác tín. Tôi luôn xác tín rằng gió tầng nào mây tầng đó. Một khi mình sống chân thành thì có lẽ mình cũng bị nhưng ít. Mình sống hết mình thì mình cũng sẽ đón nhận lại những tình cảm chân thành. Dĩ nhiên đôi lần cũng bị hớ với những người phản bội. Cũng khó vì chủ tâm của họ là thế nên mình cũng khó lường. Dẫu thế tôi vẫn tin rằng những người như thế họ cũng sẽ gặp những người phản bội vì gió tầng nào thì mây tầng đó thôi.

Cuộc đời này xem chừng qua đi rất nhanh và rất vội. Bất cứ mội ai được Chúa gửi đến cho mình như là một món quà để rồi mình hãy trân quý người đó. Nếu như mình không giúp ích gì cho ai đó như cha, mẹ, vợ, chồng, con cái hay bạn bè của mình thì mình cũng đừng nên lừa bịp hay phản bội người đã trao gửi niềm tin yêu cho cuộc đời của mình.