Skip to main content

Đường lối của Thiên Chúa

Nhưng đơn giản, đấy là Thánh Ý Chúa. Và, như ta đã nghe nói rất nhiều lần, Người hành động theo một đường lối thật nhiệm mầu !
Đường lối của Thiên Chúa
  • Thiên Chúa, Người hành động theo một đường lối thật nhiệm mầu !

Một Mục Sư trẻ được bổ nhiệm về phục vụ tại một ngôi Nhà Thờ cũ, vốn trước đây từng là một ngôi nhà rất đẹp trong khu phố giàu có của thị trấn. Hiện nay khu này đang suy thoái và Nhà Thờ đã xuống cấp. Tuy nhiên, vị Mục Sư và vợ ông rất phấn khởi tiếp nhận, và tin rằng họ có thể phục hồi nét lộng lẫy xưa kia.

Vào đầu tháng 10, năm 1948, ông bà bắt tay ngay vào việc sơn sửa và tìm cách phục hồi ngôi Nhà Thờ ấy. Mục đích của họ là làm sao cho ngôi nhà cũ được trở nên thật đẹp trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.

Thế nhưng, khi chỉ còn hai ngày nữa là Lễ Giáng Sinh, một trận bão đã thổi qua vùng ấy, nước dâng lên ngập đến ba phân. Mái của ngôi Nhà Thờ cũ bị dột ngay phía sau Bàn Thánh, nước mưa liền vào vữa tường như vào một miếng bọt biển, rồi phá vỡ cả bức tường, để lại một lỗ hổng lớn !

Ông bà Mục Sư chán ngán nhìn bức tường xấu xí. Rõ ràng là không có cách nào sửa chữa cho kịp trước Lễ Giáng Sinh. Gần một tháng trời lao động cật lực giờ đã thành mây khói. Tuy nhiên cặp vợ chồng trẻ đã đón nhận những hư hại ấy như đón nhận ý Chúa. Họ lại bắt tay vào việc dọn dẹp mọi thứ.

Trong tình trạng hơi nản lòng, ông bà Mục Sư chiều hôm ấy đến dự một buổi bán đấu giá ủng hộ nhóm trẻ của Nhà Thờ. Một trong số các món hàng được bán là tấm khăn trải bàn thêu những đường diềm bằng kim tuyến và chỉ màu vàng ngà, dài gần năm thước.

Vị Mục Sư bỗng nảy ra một sáng kiến, quyết định mua tấm khăn ấy với giá 6 đô-la rưỡi. Ông nghĩ là nên đem treo tấm khăn đẹp này sau Bàn Thờ để che khuất lỗ thủng trên bức tường.

Một ngày trước Lễ Giáng Sinh, tuyết rơi trong những cơn gió gào hú dữ dội. Khi vị Mục Sư ra mở cửa Nhà Thờ, ông thấy một bà già đang đứng ở trạm xe buýt gần đấy. Ông biết rằng còn ít nhất là nửa giờ nữa xe buýt mới đến, vì thế ông mời bà vào Nhà Thờ để chờ cho ấm. Bà giải thích rằng bà ở vùng bên cạnh. Bà đã đến nơi này để cho người ta phỏng vấn, mong được nhận làm gia sư cho con cái của một gia đình giàu có. Bà từng là một người tỵ nạn chiến tranh. Bà là người gốc Áo, nói tiếng Anh hơi kém nên vì thế đã không xin được việc làm.

Bà ngồi vào hàng ghế cuối Nhà Thờ, cúi đầu cầu nguyện. Bà không chú ý đến vị Mục Sư đang treo tấm khăn trải bàn che cái lỗ xấu xí kia đi. Khi bà ngẩng đầu lên và nhìn thấy chiếc khăn, bà vội chạy ào lên phía Bàn Thờ. Bà kêu lên: “Khăn này là của tôi ! Đây là tấm khăn bàn tiệc ở nhà tôi !”

Đang khi vị Mục Sư còn ngỡ ngàng thì bà xúc động kể lại lịch sử của chiếc khăn ấy, thậm chí bà còn chỉ vào những chữ cái đầu tên của bà được thêu ở góc khăn. Bà và chồng từng sống ở Vienna, nước Áo. Họ chống lại chính quyền Quốc Xã trước Thế Chiến Thứ Hai. Sau đó, họ quyết định phải trốn sang Thụy Sĩ nhưng chồng bà bảo rằng phải đi riêng từng người. Thế là bà ra đi trước. Mãi lâu sau này, bà mới được tin chồng bà đã chết trong trại tập trung.

Cảm động vì câu chuyện của bà, vị Mục Sư tha thiết muốn bà nhận lại chiếc khăn ấy. Bà suy nghĩ một lúc rồi nói không, bà không cần đến nó nữa, và khi treo sau Bàn Thờ thì nó có vẻ đẹp hơn, trang trọng hơn. Rồi bà chào từ biệt và ra về, xe buýt cũng vừa đến trạm...

Trong ánh nến nghi lễ đêm Giáng Sinh, chiếc khăn trải bàn bỗng nhiên như rực rỡ thêm. Các hoa văn màu trắng như lấp lánh dưới ánh sáng lập loè của các ngọn nến, và những đường vân chỉ vàng giống như những tia sáng long lanh của một bình minh mới. Khi cộng đoàn chia tay, ai cũng khen ông mục sự về nghi lễ và vẻ đẹp của Nhà Thờ hôm ấy.

Có một cụ già cứ ngắm nghía tấm khăn trong suy tư, và khi chuẩn bị ra về, cụ nói với vị Mục Sư: “Lạ thật ! Cách đây nhiều năm, vợ chồng tôi đã có một tấm khăn trải bàn giống như tấm này. Bà ấy chỉ sử dụng trong những dịp tiệc tùng đặc biệt. Nhưng lúc bấy giờ chúng tôi sống tại Vienna. Tội nghiệp, nay thì bà nhà tôi không còn nữa, chúng tôi đã lạc nhau bao nhiêu năm nay rồi !”

Không khí ban đêm mát lạnh, nhưng vị Mục Sư chợt rùng mình, nổi da gà. Cố gắng giữ một giọng nói thật bình thản, ông kể cho cụ già nghe về người phụ nữ đã ghé vào Nhà Thờ mới chiều hôm nay. Cụ già thở hổn hển, nước mắt chảy đầm đìa trên má: “Có thể nào bà ấy lại còn sống ư ? Lạy Chúa tôi, làm sao tôi có thể tìm được bà ấy bây giờ ?”

Vị Mục Sư nhớ lại được tên của gia đình đã phỏng vấn bà lão. Trong khi cụ già run rẩy hồi hộp đứng bên cạnh, ông Mục Sư quay số điện thoại cho gia đình ấy để hỏi tên và địa chỉ của bà lão. Mọi sự đều tốt, họ đã có được địa chỉ. Hai người đàn ông, một già một trẻ cùng đi trên chiếc xe cũ kỹ của vị Mục Sư đến nhà bà, ở đầu bên kia của thị trấn. Cả hai người cùng hấp tấp gõ cửa. Và sau đó, vị Mục Sư đã được chứng kiến cuộc hội ngộ của đôi vợ chồng già trong niềm vui và nước mắt.

Một vài người hẳn sẽ cho rằng đấy là một biến cố tình cờ đầy may mắn, kết quả của một lỗ thủng trên tường Nhà Thờ, rồi một tấm khăn trải bàn cũ, sáng kiến của vị Mục Sư để giải quyết vấn đề, vân vân và vân vân... Nhưng ở đây, sự hội tụ của các biến cố quá phức tạp, đến độ không thể nào đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên được !

Chỉ cần một mắt xích trong cái dây chuyền biến cố mỏng manh ấy đứt lìa ra, thì ông chồng và bà vợ đáng thương kia hẳn sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau. Giả như trận mưa không ập tới, giả như mái Nhà Thờ không bị dột, giả như vị Mục Sư không đến dự buối bán đấu giá, giả như bà lão kia không đi tìm việc làm hoặc không đứng chờ ở trạm xe buýt gần Nhà Thờ đúng vào thời điểm ấy, giả như vị Mục Sư cứ thản nhiên không chạnh lòng mời bà ấy vào Nhà Thờ để tránh cái giá rét... Danh sách của những cái “giả sử” có thể kéo dài mãi.

Nhưng đơn giản, đấy là Thánh Ý Chúa. Và, như ta đã nghe nói rất nhiều lần, Người hành động theo một đường lối thật nhiệm mầu !

Bản dịch của TRẦN DUY NHIÊN
+ Hãy trút cả cho Người
+ Trong ân sủng và hiểu biết
+ Phương pháp bí mật của Soeur đầu bếp