Skip to main content

Lề luật

Người biết sống theo những đòi hỏi luân lý là người biết sống hài hòa: hài hòa với chính bản thân và hài hòa với tha nhân.
Lề luật
Luân lý vốn là chiều kích nền tảng mà con người không thể tránh né hoặc loại bỏ khỏi cuộc sống. Không thể sống cho ra người mà không màng tới chuẩn mực luân lý.

Có một ông vua rất giàu có nhưng chỉ có một người con gái duy nhất, vừa nhan sắc lại vừa tài đức. Vì thế, nhà vua muốn gả công chúa cho một thanh niên đức hạnh, biết yêu thương nàng và có thể kế vị vua sau này.

Lệnh vua được truyền đi và các thanh niên thuộc hàng quý tộc, con nhà phú hộ lần lượt đến yết kiến vua, nhưng tất cả đều bị từ chối, vì các thanh niên ấy đều là những người kiêu căng, ham danh vọng và tiền bạc, quen thói nhàn hạ biếng nhác.

Sau cùng, nhà vua quyết định tìm cho công chúa một nhân công biết chịu khó làm việc, ngay thật, hiền lành. Một hôm, nhà vua đi ngang qua một căn nhà đang xây. Trong số các người thợ, có một thanh niên vừa ý nhà vua nhất. Ngài đến gần hỏi chủ nhân của căn nhà thì được biết người thanh niên đó đang làm việc không công để trả nợ cho cha. Nghe vậy, nhà vua động lòng thương và cảm phục lòng hiếu thảo của thanh niên ấy, nên tình nguyện trả hết món nợ của thân phụ anh và đưa anh về đền vua, nhưng không một lời phân trần gì với anh cả.

Sáng hôm sau, người thanh niên thợ hồ được sửa soạn tề chỉnh như một quận công vào chầu vua, ngài phán bảo với anh:

Ta nghe biết về ngươi và ta muốn tặng công chúa làm vợ ngươi, nếu ngươi ưng thuận sẽ hạnh phúc cho ngươi, nếu không ta sẽ ra lệnh giết ngươi.

Chàng thanh niên bị dồn vào bước đường cùng nên đành nhận lời. Chàng chỉ phân vân không biết tại sao nhà vua lại cường ép chàng lấy con gái của vua như vậy, phải chăng vì cô ta xấu xí tật nguyền.

Đến ngày lễ cưới, cả triều đình vui mừng, tiệc tùng kéo dài cả một tuần lễ, duy chỉ có mình anh ta lo lắng, áy náy, buồn phiền.

Sau mấy tháng trời chung sống với công chúa, chàng thanh niên xin vua mở tiệc thiết đãi cả triều đình. Mọi người ngạc nhiên hỏi:
Tại sao hôm lễ cưới chàng buồn rầu mà nay lại vui sướng như vậy?

Chàng đáp: Trước đây nhà vua đã cưỡng ép tôi lấy công chúa làm vợ và còn đe dọa giết tôi nếu tôi từ chối, tôi nghi ngờ mưu kế của vua. Nhưng sau những ngày chung sống với công chúa, tôi khám phá ra nàng là cả một kho tàng quý giá mà nhà vua đã muốn ban tặng cho tôi cách nhưng không. Thật là một vinh dự cho tôi được nhận công chúa làm vợ.

* * *

Lề luật
* * *

Chúng ta có thể ví công chúa trong câu chuyện trên đây như là biểu hiện cho giá trị và tầm trọng của luật luân lý. Nhiều khi chúng ta có ác cảm với lề luật, xem như bó buộc, áp đặt cách nặng nề. Nhưng với thời gian và qua kinh nghiệm sống, chúng ta mới khám phá ra lợi ích vô song của luật ấy. Mục đích của luật luân lý dẫn đưa chúng ta tiến tới hạnh phúc và an bình tâm hồn.

Luân lý vốn là chiều kích nền tảng mà con người không thể tránh né hoặc loại bỏ khỏi cuộc sống. Không thể sống cho ra người mà không màng tới chuẩn mực luân lý.

Người biết sống theo những đòi hỏi luân lý là người biết sống hài hòa: hài hòa với chính bản thân và hài hòa với tha nhân. Để đạt được sự hài hòa ấy, cuộc sống con người còn phải có một định hướng rõ rệt, biết mình đi về đâu, biết mình sống để làm gì, như người hoa tiêu biết con tàu mình phải đi về đâu, và dàn nhạc biết mình phải chơi bản nhạc nào, đây là điều quan trọng nhất trong cuộc sống con người. Sống mà không biết sống hài hòa, không có một định hướng, không những là một bất hạnh cho bản thân, mà còn là một tai họa cho người khác.

Trong lịch sử dân Do Thái, qua trung gian ông Môisen, Thiên Chúa ban tặng cho dân Người Mười Điều Răn. Trước khi ký kết với Chúa, Môisen nêu lên trước mặt toàn dân hai con đường: một là chấp nhận và tuân giữ luật Chúa đó là con đường sống, hai là khước từ luật Chúa tức là chối bỏ Tình Thương của Người đó là con đường dẫn đến sự chết.

Thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng trao quyền điều khiển Giáo Hội cho Phêrô: “Thầy sẽ trao cho con Chìa Khóa Nước Trời”. Trao Chìa Khóa có nghĩa là trao quyền hành. Vì thế, Giáo Hội có quyền ra luật như Sáu Điều Răn Hội Thánh và các luật lệ khác. Lời vua Đavít nhắn nhủ Salomon cũng phải là kim chỉ nam của người tín hữu chúng ta: “Con hãy tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, hãy đi trong đường lối Người. Như thế, con sẽ thành đạt trong mọi việc con làm và ở mọi nơi con sống” (1V 2,3).

* * *

Lạy Chúa, từ đời đời Chúa đã Nghĩ đến con và Yêu Thương con trong Tình Thương vô tận. Chúa cũng thấu rõ sự yếu đuối dễ hướng chiều về đường xấu của con. Xin hướng dẫn tự do của con, tẩy rửa con khỏi mọi gian tà, để con biết nhận ra tình thương Chúa bằng cách yêu mến và trung thành tuân giữ luật pháp của Hội Thánh. Amen.

Thiên Phúc
“Như lòng Chúa khoan dung"