Skip to main content

Đợi chờ người quan trọng

Hãy chuẩn bị trong chân thành, kính trọng, yêu thương rồi bình an chờ đợi. Việc gì đến sẽ đến. hãy hít vào một hơi sâu, bình tĩnh, thoải mái, mở cửa chờ đón người đến trong niềm vui.
A A+
color:
Đợi chờ người quan trọng
Hãy chuẩn bị trong chân thành, kính trọng, yêu thương rồi bình an chờ đợi. Việc gì đến sẽ đến. hãy hít vào một hơi sâu, bình tĩnh, thoải mái, mở cửa chờ đón người đến trong niềm vui.  

Trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần đợi chờ người quan trọng, hãnh diện và hồi hộp, vui mừng và bối rối. Có lúc ngồi thừ tính toán vì bị vẻ vĩ đại choáng ngợp của người khách làm tê liệt, có lúc chạy tứ tung như bao ý tưởng đang "lăng xăng" trong đầu : Phải mặc áo gì ? Sửa soạn món gì ? Nói điều gì ?...Chúng ta lo đến người khách mà lại "xoay quanh" mình. Mọi sự sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta nghĩ đến điều cốt yếu: người khách đến để làm gì ? Người cần gì nơi chúng ta? Hay biết đâu chính vì chúng ta cần người : sự hiện diện, tình thương, sức ủi an, nâng đỡ ?

Mọi việc cần chuẩn bị, nhưng đừng quá khách sáo với những ý tưởng, những lời nói như "Rồng đến nhà tôm " hay "ngọn gió nào thổi bác đến đây "…Có người tiếp nhà trí thức với chồng sách mượn ở thư viện hay mua ở chợ trời để tạo ấn tượng uyên bác, người khác lại bày tỏ sự sang trọng giàu có của mình với những đồ vật mượn ở nhà bạn, với tiền tiết kiệm của nhà băng. Có gì ngượng khi ta thú nhận mình không biết nhiều về âm nhạc khi gặp một nhạc sĩ nổi tiếng, ngược lại thật xấu hổ khi ta nói thao thao nhưng lại sai bét về những bản nhạc mà chúng ta chẳng biết gì. Hãy chân thật, đơn giản và khiêm tốn, thực sự kính trọng và yêu thương người mình gặp, rồi mình cũng sẽ gặp được sự tôn trọng và yêu mến của người .

Có một điều quan trọng hơn những gì được chuẩn bị, đó là thái độ và tấm lòng chuẩn bị : một lời nói chân tình, một bữa ăn đơn sơ nhưng thân mật, sự săn sóc tế nhị, việc ân cần lắng nghe, điều đó còn làm vừa lòng khách hơn tiệc tùng hay tặng vật quý giá. Người ta kể rằng : có một cặp vợ chồng công nhân nghèo, một ngày nọ được tin ông chủ sẽ đến thăm và dùng bữa với họ. Hai vợ chồng mừng quýnh và bàn tán sửa soạn đãi khách. Khổ nỗi tiền trong nhà đã hết, lại không biết vay mượn ai. May thay, người chồng nghĩ ra một giải pháp :"Này em, khi đãi ông chủ ăn món chính, anh sẽ giới thiệu trước rằng chúng ta sẽ có món gà nướng trên than hồng ăn với khoai tây chấm sốt (sauce) đặc biệt. Rồi em giả vờ làm đổ mâm đánh rầm một cái ở dưới bếp và la lên: chết rồi anh ơi, con gà rơi vào bếp lửa rồi . Chúng ta sẽ ăn mâm khoai em mang lên và anh tin rằng ông chủ chúng mình sẽ thông cảm. Tới ngày hẹn, ông chủ đến và chuyện trò rôm rả; vào bữa ăn, mọi chuyện diễn ra như dự tính, đến khi nghe tiếng "xoảng "dưới bếp, anh chồng hứng chí quên để vợ nói, đã vội hỏi :"Em à , có phải mâm gà bị rơi vào bếp lửa rồi không ? " Từ dưới bếp, cô vợ mếu máo trả lời " Không phải anh ơi, đó là mâm khoai ".

Có lẽ ông chủ sẽ vừa buồn cười vừa cảm động trước cảnh "dở khóc dở cười " của vợ chồng người thuộc hạ, ông sẽ cảm thông và biết đâu còn tăng lương cho họ. Nhưng ở đây, câu chuyện này còn có một khía cạnh khác : đó là dù chuẩn bị chu đáo đến đâu, cũng có thể có những việc đến ngoài dự tính, thiếu xót, gây phiền toái…Hãy an tâm khi đã chuẩn bị hết lòng, những việc còn lại dù tốt hay xấu cũng sẽ không đánh mất những cố gắng chân thật của chúng ta. Và bạn có biết những nhân vật quan trọng thường khác chúng ta ở điểm nào không? Đó là sự hiểu biết và lòng bao dung của họ luôn lớn hơn chúng ta gấp bội. Như ông chủ trong truyện, ông đã thấy nhiều con gà trên mâm, nhưng nay lại cảm " được con gà trên bếp lửa mà ông không thấy. Ông hiểu tấm lòng của đôi vợ chồng trẻ dành cho mình, dù bề ngoài có bị bao phủ bởi những lời lẽ và hành vi vụng về, khách sáo.

Hãy chuẩn bị trong chân thành, kính trọng, yêu thương rồi bình an chờ đợi. Việc gì đến sẽ đến. hãy hít vào một hơi sâu, bình tĩnh, thoải mái, mở cửa chờ đón người đến trong niềm vui.

Hoài Nam 05-12-2004

+ Câu chuyện tiều phu đốn gỗ
+ Ý nghĩa của dấu chấm
edit