Skip to main content

Họ xin Người bánh ăn

Chính bánh là vật liệu mà Chúa đã chọn, một cách nhiệm mầu, để lưu truyền sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. Con không thể chỉ xem bánh này như là một sản phẩm của lò bánh mì mà không mà không phạm sự thánh được.
Họ xin Người bánh ăn
Chính bánh là vật liệu mà Chúa đã chọn, một cách nhiệm mầu, để lưu truyền sự hiện diện của Chúa giữa chúng con.

Chúa đã nói với chúng con hãy xin bánh ăn hằng ngày và, ngay những kẻ mà lòng tin đã trở nên tăm tối, thì bánh ăn vẫn còn giữ được một tính uy nghi siêu việt. Ăn bánh mà không làm việc gì hết là kẻ ăn bám ; lao động để có bánh ăn là một nghĩa vụ ; từ chối chia sẻ bánh ăn là có một con tim tàn bạo ; và ngay cả với các trẻ em người ta cũng dạy đừng hoang phí vung vãi bánh ăn. Người Nga hiến tặng bánh cho những chủ nhà của họ với muối. Còn đối với chúng ta, những kitô hữu, bánh còn hơn là một biểu trưng, vì nó là chất liệu để làm ra bí tích cao cả của Chúa. Chính bánh là vật liệu mà Chúa đã chọn, một cách nhiệm mầu, để lưu truyền sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. Con không thể chỉ xem bánh này như là một sản phẩm của lò bánh mì mà không mà không phạm sự thánh được.

Con chưa bao giờ nướng bánh : con chẳng hề gieo hạt lúa mì và lúa mạch ở ngoài đồng ; con chưa hề gặt lúa mì ; con chưa hề đập lúa ở ngoài sân ; con cũng chẳng xây bột, hay nhồi bột, hay đốt lò, hay trộn men vào bột, hay phải canh chừng việc nướng bánh. Tất cả những điều ấy đều có người khác làm cả rồi, và thường thường họ là những người vô danh. Còn con thì chỉ có việc cắt bánh ra ăn ; mà không nghĩ gì nhiều về lịch sử kỳ diệu của nó, từ những thời xa xưa mịt mù mà lần đầu tiên con người đã thuần hóa được những cây thuộc họ lúa hoang dại này, mà ngày nay nó đã trở thành loại ngũ cốc của chúng con. Con thấy việc ăn bánh là việc làm tự nhiên. Chỉ khi nào chính quyền trong nước hạn chế nó, hoặc một cơn đói kém thật sự làm nó biến mất, thì con mới động lòng và ta thán.

Họ xin Người bánh ăn
Ấy thế mà một tấm bánh, dù trắng hay nâu, cũng có thể kể cho con nghe cả một bài thơ tri ân và đặt để trong con những ý tưởng về Chúa. Phải chăng các thượng tế thời Israel xưa kia đã không dâng lên Chúa nhân danh toàn dân Chúa, bánh trưng hiến sao ? Và không phải chính Chúa đã cất giữ cho chúng con men mà người nội trợ đã cất giấu vào giữa ba đấu bột sao ? Và ông Êlia già nua, mệt lử, vì đang chạy vào sa mạc trốn cơn giận dữ của hoàng hậu Dêraben, đang nằm ngủ dưới bóng cây kim tước, phải chăng một thiên sứ đã không đến đánh thức ông để chỉ cho ông thấy “ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung” sao ? Và ở nơi hoang địa Chúa không làm cho năm chiếc bánh đặt gần kề với vài con cá ở đáy túi, một phần lương thực ít ỏi của một em bé vô danh, hóa nhiều, đã có thể nuôi ăn cả một đám đông dân chúng sao ?

Chính Chúa đã cầm lấy bánh ấy trong tay thánh thiện và khả kính của Chúa : Chúa đã bẻ nó ra ; Chúa đã ban nó ; Chúa đã ăn nó với các môn đệ của Chúa ; Chúa đã biết hương vị của nó ; Chúa đã đồng hóa nó với bánh đem lại sự sống, với bánh từ Nước trời mà gìn giữ chúng con khỏi chết... Lạy Chúa, có ở nơi bánh cả một thế giới biểu tượng kỳ diệu và những cảnh sắc lạ lùng : bao nhiêu thứ phải đoán ra, phải cảm thấy trước, nhất là phải cung kính, cho dù khi con chưa thông hiểu về chúng rõ ràng lắm. Người ta rất thường làm cho con tin rằng Chúa rất xa cách ; rằng sự uy phong vô cùng và sự toàn năng của Chúa đã đặt giữa Chúa và con cả một vực thẳm vô cùng rộng lớn. Triết học còn định nghĩa Chúa là một yếu tính và còn gọi Chúa, khá kỳ cục thay, là Ðộng Lực Ðệ nhất.

Họ xin Người bánh ăn
Thế nhưng, Chúa đã chọn để tự định nghĩa Chúa bằng một sự vật rất thông thường, là thức ăn hằng ngày, là của ăn đáp lại nhu cầu rất đơn giản của chúng con : “Thầy là bánh đích thật”. Ôi ! Con thích nghe lời nói thân thuộc này biết bao ; lời này làm con vui sướng biết bao, vì nó cho con cảm thấy Chúa rất gần con ; lời này diễn tả Chúa như người đang phục vụ con, một cách âm thầm, không cầu kỳ, để rồi Chúa và con có thể làm việc chung với nhau và thực hiện một công trình chung.

Không có Ðấng Tạo Hóa thì không có bánh ăn ; mà không có con người và bàn tay của con người thì cũng chẳng có gì hơn. Ngón tay vô hình của Chúa và những ngón tay phàm trần của con người đã gặp gỡ nhau một cách thần kỳ để thực hiện kiệt tác của lòng nhân hậu, là chiếc bánh đơn giản này ; cũng như phải phối hợp với nhau và đồng lòng ra sức để thành công tạo nên Giáo Hội tại thế này. Con không muốn người ta cứ nói đi nói lại không ngừng rằng Chúa là Ðấng ở rất xa, không ai đạt thấu, vô phương hiểu nổi. Thực ra, không ai là người đơn giản bằng Chúa ; không ai gần gũi cho bằng. Một em bé, một bà nhà quê vô học đoán được, hiểu được Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn tất cả những tiến sĩ thông thái của chúng con. Chúa và con, chúng ta có những vai trò khác nhau, vì Chúa đang ngự giữa chúng con, và vì nhờ phép Thánh Thể, dưới hình bánh, Chúa thật sự có trong chúng con.

Tại sao phải cần có những khoảng cách đối với Chúa ? Nhưng sự uy phong của con người thì ham thích những trờ chơi ấu trĩ này : sự uy phong đó đòi phải có một ngai vươn cao hơn đám lê dân đang hiện diện chung quanh ; cái uy phong đó làm cho đám đông dân chúng phải giữ một khoảng cách để tỏ lòng tôn kính, như người ta thường nói. Thật ra, cách làm ấy chỉ là do lòng họ sợ bị nhận ra bản chất thật con người của họ. Ánh sáng không cần những trò giả tạo nghèo nàn ấy. Ánh sáng xuyên đến tận đáy mắt mọi người ; soi sáng tất cả đại dương mà không bị thấm ướt chút nào.

Họ xin Người bánh ăn
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã hoàn toàn từ bỏ những sự sang trọng của thiên quốc. Ngày con chịu phép rửa tội, người đỡ đầu của con đã trả lời thay cho con, mà lúc ấy con chẳng biết gì, là con từ bỏ mọi sự xa hoa của Xatăng. Con không hề hiểu những sự xa hoa phù vân ấy là gì ; và con nghĩ rằng nhiều kitô hữu tốt lành cũng chia sẻ sự ngu dốt này của con về điều này. Nhưng rồi cuối cùng, chúng con tất cả đã từ bỏ mọi sự sang trong của Xatăng, và chúng con chắng thấy mình xấu hơn. Chúng con cũng chẳng bao giờ hỏi người ta định nghĩa rõ ràng những từ ngữ ấy cho chúng con nghe.

Nhưng có lẽ chúng con có quyền hy vọng rằng, bằng một sự trả lại công bằng, Chúa cũng từ bỏ tất cả mọi sự sang trọng của thiên đàng, để đến gặp gỡ chúng con trong một sự đơn sơ thân tình của những tình yêu chân thật, không cần trang điểm, không cần ăn vận rực rỡ, không cần đoàn tùy tùng rầm rộ, không cần kèn trống ồn ào. Và chính là điều mà Chúa đã làm trong lúc Chúa Nhập Thế và trong Thánh Thể của Chúa, vì Chúa là Bánh hằng sống và lương thực cuối cùng, Của Ăn đàng, của những người đang lâm bệnh nặng.

Họ xin Người bánh ăn
Và con thích Chúa như thế, là Chúa của con không kiểu cách giả tạo, là Ðấng Cứu Chuộc của con không nghi thức kiểu cọ. Tất cả những gì là kiểu cách sẽ làm con lạnh người hay bực tức. Ðiệu nhạc mà con muốn bao phủ lấy Chúa là tiếng nhạc của sự thinh lặng chăm chú của con ; cũng như tiếng nhạc đi kèm theo ân huệ của Chúa là sự phục vụ đã thi thố như dòng hòa âm âm thầm. Bánh là một thức ăn giản dị và kín đáo. Chỉ cần Chúa bẻ nó ra và các môn đệ ở Emmau bắt đầu nhận ra Chúa mà Chúa không cần thốt ra lời nào.

Sự lý luận chặt chẽ của chúng con cảm thấy hơi hụt hẫng trước sự hiện diện bất ngờ này. Chúng con không thấy rõ lắm trong những gì mà chúng con gọi một cách thông thái là tương quan nhân quả. Kể cũng lạ thật, vì để nhận thấy Chúa có ở cạnh chúng con, tại bàn ăn, thì chỉ cầm bẻ một tấm bánh, mà không cần những diễn từ trọng thể, hay những chứng minh công phu.

Thế nhưng, điều không thể giải thích được, là chúng con chỉ cần, qua một cử chỉ nhỏ nhặt này, thì biết được Chúa đang ở cạnh chúng con.

Trích trong: Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
( "La Prière de Toutes Les Choses" )
Pierre Charles, SJ, Bỉ
Phạm Minh Thiện dịch
http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/GapGoChua/Bai09.htm

+ Bóng mát
+ Đôi điều suy nghĩ