“Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”
Vậy đâu là ý nghĩa cùng xác tín của Thánh Phaolô qua câu nói này?
| Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021
A
A+
color:
Ở đời trong mọi lãnh vực đâu có ai thích cùng mong muốn mình yếu đâu. Nhưng Thánh Phaolô lại có suy nghĩ khác: Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh! (2Cr 12,10).
Vậy đâu là ý nghĩa cùng xác tín của Thánh Phaolô qua câu nói này?
Ai cũng muốn tỏ ra mình mạnh khoẻ thể xác, cũng như tinh thần. Ai cũng muốn tỏ cho người khác thấy mình thắng thế hơn trội, thế nào là sức mạnh thế nào là yếu thế.
Trong đời sống ta thấy mạnh đâu phải là bị khuất phục bị làm nhục, nhưng mạnh là người yếu bị bắt tù tội như một Tổng Thống Mandela bên Nam Phi Châu. Mạnh đâu phải là những đạo quân đi xâm chiếm thuộc địa như người Anh, nhưng mạnh là người dân yếu thế như một Mahatma Gandhi bên Ấn Độ.
Mạnh đâu phải là những người kỳ thị người khác với sức mạnh lấn lướt, nhưng mạnh là người yếu như Mục sư Martin Luther King. Mạnh đâu phải là những vua chúa thống trị với nhiều quyền hành, nhưng mạnh là những vĩ nhân yếu mềm như Thánh Phanxico Assisi, Mẹ Thánh Têrêxa.
Mạnh không phải là tảng khối đá cứng, nhưng mạnh là dòng nước yếu mềm. Mạnh không phải là lưỡi gươm thanh kiếm, nhưng là cây thập giá.
Mạnh không là những lời to tiếng đanh thép, nhưng là những lời nhỏ nhẹ từ tốn không làm người khác bị mất thể diện. Mạnh không phải là sự hận thù, nhưng là tình yêu. Mạnh cũng không là sự chết, nhưng là sự sống.
Thánh Phaolô do lòng xác tín đã đặt lại thang giá trị dựa trên thành tích, trên và dưới, mạnh và yếu, vốn gây ra lẫn lộn hoang mang không rõ ràng và cũng tương đối thôi. Người mạnh sức, mạnh miệng lấn át, người giầu có, nghĩ tưởng đó là thước đo giá trị đời sống con người.
Rất nhiều trường hợp trong đời sống, ai đó vượt qua mặt được người khác, cho rằng mình đã thắng, mình là người mạnh, đang khi người khác yếu thế sống âm thầm yên lặng. Nhưng cái gì cũng có diễn biến trong thời gian lịch sử của nó. Một thời gian sau, người nghĩ rằng mình mạnh đã chiến thắng lại trở thành người yếu thua thiệt về danh dự. Trong khi đó, người sống yếu thế yên lặng lại trở thành người mạnh được kính phục, vì sống cư xử là người có tư cách lễ phép tình người.
Chúa Giêsu người đã trở nên yếu thế trước tòa án xét xử bị kết án ở dinh quan tổng trấn Philato. Nhưng Người đã trở thành sức mạnh đức tin tinh thần ngay nơi chính gia đình quan Philato cùng cho muôn người qua sự chết trên thậy giá.
Thánh Phaolô trong cơn cùng quẫn cảm thấy yếu đuối khi phải chịu đựng đau khổ, đã than thở xin Chúa cho thoát khỏi cảnh này, và Chúa đã nói với Thánh nhân: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi” (2Cr 12,9).
Trong cuộc sống làm người ở đời, ta không chỉ cần cơm ăn áo mặc, kiến thức học hành làm việc tốt thành công để trở thành người mạnh khoẻ. Nhưng còn cần đến ơn Chúa trợ giúp nhiều hơn nữa để có sức mạnh vượt qua những khó khăn thử thách, nhất là trong đời sống tinh thần, đời sống đức tin hôm nay và ngày mai.
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
http://gpvinh.com/chua-nhat-xiv-thuong-nien-nam-b-cac-bai-suy-niem-chu-giai-loi-chua-2-12713#CN14TN-B_23
http://gpvinh.com/chua-nhat-xiv-thuong-nien-nam-b-cac-bai-suy-niem-chu-giai-loi-chua-2-12713#CN14TN-B_23