Skip to main content

Sư tử đọc diễn văn

Người ta nói quá nhiều mà làm quá ít, hay chẳng làm gì cả.
Sư tử đọc diễn văn
Người ta nói quá nhiều mà làm quá ít, hay chẳng làm gì cả. Người ta nói để trấn an dư luận, để lấn áp tiếng lương tâm, để che đậy cái man trá của lòng mình.
Trước Chúa Kitô Giáng sinh chừng hơn một năm, ở nước La Mã có hoàng đế Nêro nổi tiếng là ông vua tàn bạo rất thích phạt tội nhân bằng cách cho sư tử xé xác họ.

Cứ mỗi lần xử, Nero lại cùng hoàng hậu và các quan văn võ lên khán đài chứng kiến. Quần chúng cũng được phép đến xem.

Một hôm có tên tử tội bị đẩy vào chuồng sư tử. Ai nấy đều phập phồng kinh hãi cho phút thọ hình của anh ta.

Nhưng lạ thay, lần này con sư tử hung dữ chỉ nhảy chồm lên rồi đến trước tội nhân hít hịt cái mũi mà thôi.

Quân lính làm thế nào nó cũng mặc kệ. Đoạn nó cúi đầu chào tội nhân rồi ngoắt đuôi đi vào với vẻ mặt buồn rầu như bị một cái gì đe dọa.

Theo luật, nếu sư tử không ăn thịt thì tội nhân được tha bổng.

Nero lấy làm lạ, nên trước khi tha về ông ta gọi tội nhân đến và hỏi:

- Nhà ngươi làm thế nào mà con sư tử của trẫm không dám đụng đến, phải nói cho trẫm biết, trẫm sẽ thưởng tiền để về làm ăn.

Tội nhân đáp:

- Tâu bệ hạ, thần không dám làm gì, mà cũng không bùa phép gì cả, mà chỉ khẽ bảo nó có một câu.

- "Câu gì?" Nero hỏi gấp.

Anh ta thưa:

- Muôn tâu bệ hạ, thần chỉ bảo, "mày muốn ăn tao, cứ việc. Nhưng tao cho mày hay, ăn xong thế nào nhà vua cũng bắt mày đọc diễn văn bày tỏ cảm tưởng và cám ơn. Vậy nếu mày muốn ăn thịt tao, hãy lo thảo diễn văn trước đi." Muôn tâu bệ hạ, ấy thế là nó hoảng hồn ngay.

* * *
Sư tử đọc diễn văn
* * *

Câu chuyện trên đây do nhà văn Wittgenstein đặt ra để chế nhạo cái phong trào đọc diễn văn của vua quan và những người quý phái ở nước Anh vào thời ông, mà dân chúng đã quá nhàm.

Không phải chỉ ở những thời xa xưa, mà ngày nay, thế giới càng văn minh, khoa học càng phát triển, con người càng nhiều kiến thức thì những bài văn cũng càng nhiều, càng dày thêm và càng uyên bác.

Biết bao nhiêu hội nghị, biết bao nhiêu bài diễn văn, biết bao nhiêu giấy mực, thời giờ và công sức bỏ ra để soạn thảo, để nói, để nghe.

Nhưng cuối cùng thì người ta nói quá nhiều mà làm quá ít, hay chẳng làm gì cả.

Người ta nói để trấn an dư luận, để lấn áp tiếng lương tâm, để che đậy cái man trá của lòng mình.

Nhưng dù sao người ta cũng không át được tiếng vang vọng của lời Chúa Giêsu quở trách: “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi nói mà không làm”. (Mt 23:3.13)

Trích từ : Truyện Vui Suy Niệm
http://vntaiwan.catholic.org.tw/truyenvui/truyen100.htm