Skip to main content

Đức Thích Ca và vua Pracitrice

Hạnh phúc đích thực của con người không do tiền của mang lại mà do chính ở thái độ làm chủ của con người đối với của cải.
Đức Thích Ca và vua Pracitrice
Hạnh phúc đích thực của con người không do tiền của mang lại mà do chính ở thái độ làm chủ của con người đối với của cải.

Bằng lòng với chính mình, của cải vật chất không hẳn mang lại hạnh phúc.

Một hôm, Ðức Thích Ca vào thủ đô của vua Pracitrice, nhà vua đã đích thân ra đón ngài, nhà vua là bạn của thân phụ Ðức Thích Ca, ông đã theo dõi sự giác ngộ và cuộc sống khắc nghiệt của Ðức Thích Ca, cho nên khi gặp ngài, ông đã cố gắng thuyết phục ngài từ bỏ cuộc sống lang thang khất thực và trở về hoàng cung. Nhà vua nghĩ mình đang làm một nghĩa cử cho một người bạn thân của mình.

Sau khi nghe những lời thuyết phục của nhà vua, Ðức Thích Ca nhìn sâu vào mắt của nhà vua và nói: "Xin ngài hãy thành thật mà nói với tôi. Trong tất cả những thú vui mà ngài đang có, ngài có thực sự được một ngày hạnh phúc không?" Vua Pracitrice cúi nhìn xuống đất và giữ thinh lặng.

Quý vị và các bạn thân mến,

Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Ðộ là cha Anthony de Mello đã nói: "Không có niềm vui nào lớn hơn là khi không có một lý do nào để buồn phiền. Và không có một của cải nào lớn hơn là khi không bằng lòng với điều mình đang có". Một trong những chân lý cơ bản về con người mà Ðức Thích Ca đã bày tỏ cho chúng ta chính là: "Con người bằng lòng về những gì mình đang có".

Càng có, con người càng muốn có nhiều hơn và đó chính là nguồn gốc của mọi thứ bất hạnh của con người. Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta một giáo lý tương tự với cuộc đời. Trong bài dụ ngôn về người quản lý bất trung (x.

Lời Chúa: (Lc 16,1-13)


Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!" Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!".

"Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ôliu". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?" Người ấy đáp: "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".

"Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

"Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

"Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được".
), Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy được thái độ đúng đắn mà con người cần phải có đối với của cải trần gian. Kể lại tính cách biển lận tiền của người quản lý đã mua chuộc bạn bè phòng khi bị sa chân mất chức. Chúa Giêsu không có ý đề cao sự dối trá tham nhũng, hối lộ, Ngài chỉ muốn dạy chúng ta rằng: Ðối với của cải trần thế, con người cũng cần có một thái độ khôn ngoan.

Khôn ngoan để luôn ý thức rằng: Của cải trần thế không phải là cứu cánh của đời người.

Khôn ngoan để biết rằng: Mình không phải là chủ vĩnh viễn của của cải.

Khôn ngoan, để cũng như người quản lý trong bài dụ ngôn, biết sử dụng của cải, để chuẩn bị những người bạn cho cuộc sống mai sau. Chúa Giêsu đã chọn lựa nếp sống nghèo. Ðó là bài dụ ngôn cơ bản nhất về giá trị của của cải trần thế mà Ngài muốn ngỏ với chúng ta.

Sống siêu thoát đối với của cải. Sống không để cho của cải làm chủ được mình. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng: Hạnh phúc đích thực của con người không do tiền của mang lại mà do chính ở thái độ làm chủ của con người đối với của cải.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con phải vất vả vì chén cơm manh áo hằng ngày. Là những người theo Chúa, xin cho chúng con luôn biết hướng nhìn về Chúa, để không ngừng có thái độ đúng đắn đối với của cải trần thế.

Xin cho chúng con không vì một chút lợi lộc chóng qua mà bóp nghẹt tiếng nói lương tâm và chối bỏ người anh em.

Trong tất cả mọi sự, xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm Nước Chúa, là nước của Công bình, Bác ái, Liên đới, Chia sẻ và Tình người.

Trong tất cả mọi sự, xin cho chúng con biết rằng: Chỉ có một giá trị tồn tại mãi mãi là tình thương. Amen.

Trích từ Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày
http://vntaiwan.catholic.org.tw/phutcau3/3phut135.htm