Skip to main content

Gian nan thử thách có ý nghĩa gì?

“Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gc 1,2)
Gian nan thử thách có ý nghĩa gì?
Thử thách không còn là vấn đề đối với các tín hữu, nhưng nó trở thành cơ hội để các tín hữu rèn luyện đức tin, lòng kiên nhẫn, để làm những việc hoàn hảo.
Tác giả bài viết:
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh
Website Giáo phận Bùi Chu

“Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gc 1,2)

Không ai thích vất vả, khó khăn, gian nan thử thách. Ai cũng thích mọi thứ diễn ra bằng phẳng, không gập ghềnh, lồi lõm. Vì thế, chúng ta thường chạy trốn hay cố gắng loại bỏ khó khăn thử thách. Nhiều người không chấp nhận thậm chí có khi bỏ cuộc buông xuôi trước thử thách. Thánh Giacôbê đã gửi đến cho các tín hữu một bài học thật đắt giá khi phải đứng trước thử thách “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gc 1,2). Tại sao lại cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều?

Thưa, bởi vì theo thánh nhân, thử thách rèn luyện đức tin của các tín hữu. Chính nhờ phải đối diện với thử thách trăm chiều mà đức tin của người tín hữu được kiên vững hơn. Họ tập được lòng kiên nhẫn, không vội vàng, không bao giờ bỏ cuộc, nhất là dám đặt trọn vẹn niềm cậy trông vào Thiên Chúa “đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1,3). Nhờ kiên nhẫn, các tín hữu có thể thực hiện được những việc hoàn hảo đẹp lòng Thiên Chúa, không ai có thể chê trách, và cũng không thể thiếu sót điều gì. Như thế, thử thách không còn là vấn đề đối với các tín hữu, nhưng nó trở thành cơ hội để các tín hữu rèn luyện đức tin, lòng kiên nhẫn, để làm những việc hoàn hảo.

Một bài học khá thực tế mà ai cũng phải thừa nhận: một người đã từng trải nhiều bầm dập của cuộc sống thường trưởng thành hơn về mọi mặt. Trước hết, họ không sợ khó khăn thử thách. Thử thách không là gì ngoài việc là cơ hội để họ lớn lên và gặt hái những thành công lớn hơn nữa về cả vật chết cũng như tinh thần. Thứ đến, người từng trải thường có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho ngưởi khác, giúp người khác vượt qua thử thách. Sau cùng, người đã từng trải qua thất bại hay khổ đau thường rất dễ cảm thông tha thứ vì họ biết rất rõ rằng đã là người chẳng ai lại không yếu đuối lỗi lầm, còn sống trên trần gian là còn yếu đuối sa ngã.

Thật ra, chính Chúa Giêsu là nền tảng cho những lời khuyên bảo cụ thể của thánh Giacôbê. Cả cuộc đời, Chúa Giêsu đã luôn phải đối diện với thử thách: sinh ra trong phận nghèo, chạy trốn khỏi tay vua Hêrôđê, chịu cám dỗ trong hoang địa, thử thách trong cuộc đời công khai: người yêu kẻ ghét, người hưởng ứng kẻ quay lưng, nhất là giới lãnh đạo Do thái. Thử thách lớn nhất Chúa phải vượt qua là vâng theo thánh ý Chúa Cha đón nhận con đường khổ đau, thập giá, và cái chết tủi nhục. Nếu Chúa Giêsu đã vượt qua mọi thử thách và tận dụng chúng để hoàn tất chương trình cứu độ thì chẳng có lý gì các môn đệ của Chúa lại từ chối, chạy trốn, bỏ cuộc trước những thử thách của cuộc đời?

Không ai mong ước khó khăn, gian nan, thử thách, nhưng dù muốn dù không thử thách vẫn đến với mỗi người. Các tín hữu được mời gọi tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều vì đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn và nhở kiên nhẫn mà các tín hữu mới có thể thực hiện những việc hoàn hảo. Nguyện xin Chúa cho các tín hữu nhận ra giá trị của gian lao thử thách để đón nhận và vượt qua với tất cả lòng tin; nhờ đó mà họ lớn lên về mọi mặt, nhất là lớn lên trong niềm tin tưởng cậy trông và yêu mến Thiên Chúa. Amen!

Tác giả bài viết:
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh
https://gpbuichu.org/news/SUY-NIEM/gian-nan-thu-thach-co-y-nghia-gi-12318.html