Skip to main content

Đôi nạng của ông tù trưởng

Sự lừa dối thường có hai chiều. Kẻ lừa dối không những đánh lừa người khác mà còn lừa dối cả chính mình.
Đôi nạng của ông tù trưởng
Nhận biết mình cũng chính là điều kiện tiên quyết, là bước khởi đầu của mọi đổi mới trong đời sống đức tin, của mọi thăng tiến trên con đường hoàn thiện.
Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa
www.vntaiwan.catholic.org.tw

Một ông tù trưởng của một bộ lạc bên Phi Châu không may gặp tai nạn gãy chân. Ông đành phải tập đi bằng đôi nạng.

Không bao lâu thói quen đi nạng của ông đã trở thành điêu luyện. Ông tù trưởng không những có thể chạy bằng nạng mà còn có thể nhảy múa được trên đôi nạng. Việc đi nạng không còn bị xem như là một rủi ro nữa, mà đã biến thành một nghệ thuật với đôi chân của ông tù trưởng.

Ðể cho việc đi nạng không thất truyền, ông tù trưởng bèn dạy cho các con cái của ông xử dụng đôi nạng. Không bao lâu việc đi nạng đã trở thành biểu trưng của một sự khéo léo mà tất cả mọi người dân trong bộ lạc đều phải học cho bằng được.

Sang đến thế hệ thứ tư thì không một người nào trong bộ lạc còn có thể đi đứng mà không dùng đến đôi nạng. Ðể được ghi danh vào học trong bất cứ trường nào của bộ lạc, mọi đứa trẻ phải được chứng nhận là biết đầy đủ về lý thuyết cũng như thực hành của việc đi nạng. Bộ lạc cũng nổi tiếng về sản xuất được những cây nạng có chất lượng cao.

Ngày nọ, có một thanh niên đến trình diện với các bô lão trong bộ lạc và nêu thắc mắc tại sao mọi người trong bộ lạc đều phải đi bằng nạng, trong khi Thượng Ðế đã ban cho mỗi người đôi chân là để đi đứng bình thường. Người thanh niên hứa sẽ chứng minh cho mọi người thấy anh có thể đi đứng mà không cần đôi nạng.

Thế nhưng, khi người thanh niên vừa bỏ đôi nạng ra, anh đã đỗ xầm xuống đất. Ðiều này khiến cho mọi người trong bộ lạc càng xác tín rằng không ai có thể đi đứng mà không cần đến nạng.

* * *

Sự lừa dối thường có hai chiều. Kẻ lừa dối không những đánh lừa người khác mà còn lừa dối cả chính mình. Chúng ta dễ thấy được điều đó trong những xã hội xây dựng trên sự dối trá. Khi sự lừa dối đã trở thành một thứ bản năng thì người ta cũng tin rằng tất cả những dối trá lừa lọc của mình đều là chân lý.

Tựu trung, dối trá là chối bỏ hoặc không muốn chấp nhận cái thực tại què quặt, bất toàn của bản thân. Ai cũng muốn che đậy con người nghèo hèn của mình bằng một lớp sơn hào nhoáng.

Bài học cơ bản mà nhà hiền triết Socrate luôn lặp lại cho các môn sinh của ông là “Hỡi người, hãy biết chính mình”.

Xem chừng Chúa Giêsu cũng theo phương pháp ấy khi Ngài khởi đầu sứ mệnh rao giảng của Ngài bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối!”

“Hãy sám hối!” trước tiên có nghĩa là hãy nhìn ra cái thân phận tội lỗi bất toàn, què quặt của mình, để rồi mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Nhận biết mình cũng chính là điều kiện tiên quyết, là bước khởi đầu của mọi đổi mới trong đời sống đức tin, của mọi thăng tiến trên con đường hoàn thiện.

Viên đá nóng bên bờ biển

Đừng để cho những sinh hoạt của cuộc sống trở thành một thói quen vô nghĩa, làm lu mờ đi sự hiện diện của Chúa. đọc tiếp...