Skip to main content

Hạt giống mục nát

Hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa trổ bông.
Hạt giống mục nát
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn, để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân. Hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa trổ bông.
Lm. John nguyễn.
www.thanhlinh.net

Khởi đi từ câu nói của Chúa Giê-su: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.” Hình ảnh hạt lúa được ví như hình ảnh cuộc đời của mỗi con người. Giá trị của nó là sự từ bỏ, hy sinh, mục nát và chết đi, thì mới mang lại kết quả tốt.

Triết lý của hạt lúa là một chủ đề thú vị mà Chúa Giêsu dùng để minh họa và liên tưởng đến cuộc sống của con người. Người ta có câu: “Hạt lúa lép phất phơ trước gió, hạt lúa chắc thì lặng lẽ cúi đầu.” Hay “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu.” Chúng ta hãy khám phá một câu chuyện về hai hạt lúa sau đây: Có hai hạt lúa được chủ giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau, vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó.

Hạt lúa thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới. Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này nó không còn chất dinh dưỡng, nó phải dần chết mòn vì khô héo. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó mang đến cho đời những hạt lúa mới cho con người.

Quy luật cuôc sống: Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn, để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân. Hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa trổ bông, đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai. Tôi hy vọng đó cũng sẽ là sự lựa chọn của chúng ta khi đứng trước cánh đồng bao la của cuộc đời, hãy làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, khi ta chấp nhận sự hy sinh và từ bỏ bản thân, từ bỏ cái tôi ích kỷ hẹp hòi.

Đời sống con người là một chuỗi ngày từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ từ bỏ ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn. Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, tính ích kỷ và từ bỏ ý riêng mình.

Kết luận, Chúa Giêsu khiêm hạ xuống thế gian này chỉ vì yêu thương, hy sinh và phục vụ con người. Cuộc đời của Ngài được minh họa bằng hạt lúa phải mục nát, phải tiêu hủy đi, phải chết đi, để mang lại mầm sống ơn cứu rỗi. Sự hy sinh, đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang phục sinh cho những ai chấp nhận sự hy sinh, từ bỏ ở đời này. Ngài nói: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ được sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta sẽ ở đó.” Ai theo Ta sẽ không bao giờ bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời. Amen.