Skip to main content

Cảm thông với nhau

Nếu mỗi lần vấp ngã mà có ai đó cầm tay, nâng đỡ thì có lẽ cái đau sẽ bớt đi và tinh thần đứng lên làm lại sẽ mạnh mẽ hơn.
Cảm thông với nhau
Nếu mỗi lần vấp ngã mà có ai đó cầm tay, nâng đỡ thì có lẽ cái đau sẽ bớt đi và tinh thần đứng lên làm lại sẽ mạnh mẽ hơn.

Có một lời tâm sự viết như sau: “Hôm qua, bị ngã rất đau, muốn khóc lắm, nhưng không dám khóc. Và cũng không thể khóc, vì cảm giác đau đã trôi qua nhanh, nhường chỗ cho cảm giác xấu hổ.

Tất cả mọi người nhìn vào, hình như đâu đó có tiếng ai đó chê bai: “Lớn thế rồi mà đi đứng còn ngã”. Đâu đó còn có cái nhếch môi cười, và đâu đó còn có cả cái xuýt xoa . . .

Tự dưng ước mình chỉ là một đứa trẻ, là trẻ con thì được ngã, ngã thoải mái, khóc thoải mái. Tiếc là đã lớn, lớn không được ngã. Ngã người cười chê . .”

Ngã là chuyện thường tình. Nhưng xem ra nguời ta chỉ chấp nhận cho trẻ con được ngã, còn người lớn thì hình như không được phép ngã. Dẫu biết rằng: “Ai nên khôn mà không dại một lần”; và: “Một lần ngã là một lần bớt dại – Cho thêm khôn chút nữa trong đời”. Nhưng xem ra người ta dễ xem thường nhau mỗi khi ai đó vấp ngã trong đời.

Đôi khi chúng ta vẫn chê trách, đàm tiếu với nhau về những lầm lỗi, khiếm khuyết của người này, người nọ. Đôi khi chúng ta ít cảm thông với những yếu đuối, thiếu sót của tha nhân. Dẫu biết rằng không ai hoàn hảo. Nhưng chúng ta vẫn thích bỉu môi, xuýt xoa về những lầm lỗi của tha nhân.

Cảm thông với nhau
Người lớn không nên ngã. Ngã bị người đời cười chê, bị người đời xem thường. Ngã là biểu hiện sự vô ý tứ hay bồng bột. Ngã là dấu chỉ của sự chưa cứng rắn hay trưởng thành. Thế là, người ta thường kết án nặng lời với những cái ngã của anh em. Người ta ít cảm thông cho cái ngã của tha nhân. Người ta thường xem thường những ai lớn rồi mà còn ngã. Xem ra, người bị ngã đã đau còn đau hơn bởi sự thiếu cảm thông của anh em mình. Họ bị cô đơn trong nỗi quặn đau không nói thành lời, vì chẳng ai hiểu mình, chẳng ai cảm thông với mình.

Có người còn nói rằng: đau nhất là ngã hai lần cùng một lỗi. Ngã một lần, lần sau lại ngã. Có dại mới ngã, có ngã mới bớt dại, mỗi lần ngã thêm một lần bớt dại, mỗi lần ngã là một lần đau đớn. Nhưng có cái dại nào giống cái dại nào đâu! Thế nên, làm người thường vấp ngã về thể xác và tinh thần không chỉ một lần mà có khi rất nhiều lần. Không chỉ khi còn trẻ mà có khi vào tuổi gần đất xa trời vẫn vấp ngã vì dại! Nhưng nếu mỗi lần vấp ngã mà có ai đó cầm tay, nâng đỡ thì có lẽ cái đau sẽ bớt đi và tinh thần đứng lên làm lại sẽ mạnh mẽ hơn.

Phê-rô đã từng vấp ngã. Tuy đối tượng khác nhau nhưng hoàn cảnh vẫn không thay đổi. Thế mà ông ngã đến ba lần. Ông vấp ngã không ai nâng đỡ ông. Không ai kéo ông đứng lên. Vì ông phạm tội chẳng ai biết. Ông té chẳng ai hay. Thế nhưng, có một người biết hết mọi sự. Có một người vẫn nhìn theo ông. Đó là Thầy Giê-su. Ngài không nói. Nhưng ánh mắt như một lời nhắc nhở, động viên Phê-rô hối cải và làm lại cuộc đời. Ánh mặt biểu lộ tấm lòng. Ánh mắt bày tỏ tấm lòng nhân ái mà Chúa dành cho Phê-rô. Ánh mắt ấy không xét tội của Phê-rô. Ánh mắt ấy chỉ nhắc nhở Phê-rô đã ngã đến ba lần mà là cái ngã mà Thầy đã cảnh báo trước nhưng ông vẫn xem thường.

Cảm thông với nhau
Xem ra Chúa cũng nhìn Phê-rô như một học trò cần được yêu thương vỗ về hơn luận phạt. Phê-rô ngã Chúa nâng đỡ. Phê-rô sai đường Chúa uốn nắn. Chúa không nói với Phê-rô : “lớn thế còn ngã”. Chúa cũng không xem thường Phê-rô, nhưng Chúa chỉ mời gọi Phê-rô: “Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”.

Hôm nay, sau khi Chúa sống lại, Ngài đã không tìm Phê-rô để luận tội. Ngài chỉ đòi Phê-rô nói lên tình yêu của mình với Thầy Chí Thánh Giê-su. Chúa đã hỏi Phê-rô đến ba lần: “con có yêu mến Thầy không”. Ba lần công khai nói lên tình yêu để xoa dịu nỗi đau dằn vặt lương tâm sau ba lần ông vấp ngã đến chối Chúa ba lần.

Phê-rô hiểu tình yêu của Thầy. Phê-rô hiểu Thầy luôn yêu Phê-rô. Và Thầy cũng hiểu tấm lòng chân thành của Phê-rô. Phê-rô có té nhưng không chủ ý. Phê-rô té vì yếu đuối. Phê-rô té vì nhu nhược. Nhưng Phê-rô không té vì phản bội. Phê-rô vẫn yêu Thầy và gắn bó với Thầy. Thế nên, khi được hỏi: “con có yêu mến Thầy không?”. Phê-rô đã mạnh dạn thưa: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”

Cảm thông với nhau
Cuộc đời hôm nay, có lẽ có nhiều lần chúng ta cũng từng vấp té, nhưng chẳng ai cảm thông, nâng đỡ. Đôi khi còn bàn tán, xem thường. Mỗi lần vấp té đã đau lại càng đau hơn khi không nhận được sự cảm thông nâng đỡ từ anh em. Một mình ta quặn đau. Một mình ta phải đương đầu với khó khăn. Một mình phải gượng đứng dậy. Đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, chán trường muốn buông xuôi mặc cho dòng đời đưa đẩy. Nhưng không Chúa biết mọi sự. Chúa vẫn nhìn chúng ta như Ngài đã từng trìu mến nhìn Phê-rô. Chúa đã từng hứa: “cho dù người mẹ có bỏ con, Ta vẫn không bỏ các ngươi”. Chúa vẫn ân cần vực dậy khi chúng ta vấp té trên đường.

Xin Chúa cho chúng ta luôn nhận ra Chúa luôn yêu thương để không bao giờ thất vọng về bản thân mình, nhưng luôn đứng dạy làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã. Xin cho chúng ta cũng biết học nơi Chúa để luôn nâng đỡ nhau, và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Amen


+ Tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa
+ Cảm nghiệm đi xe đạp đôi với Chúa
+ Nếm thử mà xem