Skip to main content

“Thu lúa, đốt rơm”

Chúng ta hãy cố gắng đạt được tiêu chuẩn mà Thiên Chúa muốn tìm kiếm nơi mỗi người chúng ta: đó là hoa quả yêu thương, hy sinh, quảng đại, phục vụ, đoàn kết, tha thứ.
“Thu lúa, đốt rơm”
Chúng ta hãy cố gắng đạt được tiêu chuẩn mà Thiên Chúa muốn tìm kiếm nơi mỗi người chúng ta: đó là hoa quả yêu thương, hy sinh, quảng đại, phục vụ, đoàn kết, tha thứ.

Trong xã hội ngày nay, con người đề cao tự do nên rất quen thuộc với sự lựa chọn. Khi đi mua quần áo, đồ đạc, người ta lựa chọn những cái có mầu sắc hợp với thị hiếu, kiểu cách hợp với thời trang hoặc sở thích. Khi lựa chọn người để làm nơi nương tựa, các cô thích tìm những anh chàng cao ráo, đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, có bằng kỹ sư, bác sĩ, luật sư…. Và loại bỏ những cậu có chiều cao khiêm tốn, “nhan sắc” kém cỏi, nghèo lủng cả túi quần… Khi lựa chọn những cái đó người ta có quyền đặt tiêu chuẩn theo ý riêng mình. Thiên Chúa cũng lựa chọn con người để cho họ được hưởng phúc thiên đàng hay phải đoạ phạt trong hoả ngục. Hình ảnh tượng trưng mà thánh Gioan Tẩy Giả cho chúng ta thấy về Đấng Cứu Thế lựa chọn đó là “cầm nia trong tay mà sảy lúa”; lúa được thu vào kho, còn rơm bị đốt trong lửa không hề tắt.

Thiên Chúa lựa chọn theo tiêu chuẩn nào? Thánh Gioan Tẩy Giả là bậc tiên tri được Thiên Chúa tuyển chọn, cách sống và lối ăn mặc của ngài đã nói lên điều đó. Ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa, ánh mắt nhìn và sự xét đoán của ngài dựa vào tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Dân chúng đủ loại từ khắp miền Giuđêa, người giầu sang cũng như nghèo khó, nông dân cũng như thương gia, học giả cũng như người thất học, tuốn đến để xin Gioan làm phép rửa. Gioan không lên án một ai ngoài những người Pharisiêu và ký lục. Họ là những người tự cho mình là công chính, sau này cũng bị Chúa Giêsu lên án. Họ bày tạo ra những luật thanh tẩy rườm rà và giữ rất nghiêm nhặt, nhưng lại lơ là với những điều chính yếu trong sách luật. Chúa đã lên án họ là bọn giả hình, nối dài thẻ kinh và tua áo để nuốt chửng gia tài các bà goá. Gioan cũng thấy việc họ đến xin chịu phép rửa là một hành vi giả tạo nên đã cảnh cáo: đừng tự phụ là con cái Abraham rồi sống bừa bãi, làm điều xằng bậy. Nếu không ăn năn hối cải, sửa đổi đời sống, họ vẫn bị tiêu diệt như một cây sinh ra trái xấu là những hành động tội lỗi ngấm ngầm của họ.

Tật xấu tự phụ, cho mình là người công chính có lẽ ai cũng nghĩ rằng mình không có. Nhưng xét cho kỹ thì hầu như không ai tránh khỏi. Khi chúng ta nhìn người khác làm điều sai rồi kết án họ là người xấu, chê họ thế này, chê họ thế khác, đó là lúc chúng ta ngầm cho rằng mình khá hơn những người đó, nên có quyền xét đoán, kết án họ. Đây là những hoa quả xấu mà cây đời sống của chúng ta có thể sinh ra, còn nhiều hoa quả xấu nữa như lòng ghen tỵ, hằn thù, ganh ghét, kiêu căng, chia rẽ, chống đối, bạo động… Những hoa quả xấu đó sẽ đưa chúng ta vào số cây bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy chúng ta hãy cẩn thận, cố gắng đạt được tiêu chuẩn mà Thiên Chúa muốn tìm kiếm nơi mỗi người chúng ta: đó là hoa quả yêu thương, hy sinh, quảng đại, phục vụ, đoàn kết, tha thứ.

Tôi phải làm gì?

Trước những biến cố quan trọng, trước những nguy khốn cấp bách, người ta thốt lên: Tôi phải làm gì? đọc tiếp...

+ Xin Chúa tha thứ cho tôi
+ Lòng bao dung có thể hoán cải tâm hồn