Skip to main content

Làm thế nào để lớn lên trong khiêm nhường khi cảm thấy mình bị sỉ nhục

Thánh Vinhsơn Phaolô đã từng nói: “Vũ khí mạnh nhất để chế ngự ma quỷ là sự khiêm nhường.”
Làm thế nào để lớn lên trong khiêm nhường khi cảm thấy mình bị sỉ nhục
Hóa ra những khoảnh khắc cảm thấy xấu hổ vô cùng lại có thể giúp bạn lớn lên về mặt thiêng liêng và trở thành một con người khiêm nhường hơn.

  • Hóa ra những khoảnh khắc cảm thấy xấu hổ vô cùng lại có thể giúp bạn lớn lên về mặt thiêng liêng và trở thành một con người khiêm nhường hơn.

Má bỏng rát. Tim loạn nhịp. Toát mồ hôi. Cảm thấy một sự thôi thúc đột ngột để chạy đi và trốn tránh. Những điều này nghe có vẻ quen thuộc không? Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác xấu hổ; những tác động thể lý của nó thì không thể nhầm lẫn được. Nhưng điều ít thấy hơn là những tác động thiêng liêng của nó.

Xấu hổ là một trong những cảm xúc đáng sợ nhất của con người. Không ai thích bị sỉ nhục! Nhưng hóa ra những những khoảnh khắc cảm thấy xấu hổ vô cùng lại có thể giúp bạn lớn lên về mặt thiêng liêng và trở thành một con người tốt hơn.

Làm sao những khoảnh khắc này lại có thể là tốt đối với chúng ta?! Tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta xử lý chúng. Nếu chúng ta cho phép, thì việc cảm thấy xấu hổ có thể là cơ hội để phát triển nhân đức khiêm nhường.

Chúng ta biết rằng khiêm nhường là việc cần thiết để trở nên thánh thiện. Kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu, trong khi khiêm nhường là “nền tảng của tất cả mọi nhân đức khác”, Thánh Augustinô đã từng viết như vậy.

Một khoảnh khắc xấu hổ có thể dẫn đến sự khiêm nhường, là điều có lợi, hay sự sỉ nhục, là điều có hại. Điều quan trọng là phản ứng của chúng ta đối với sự xấu hổ này. Đây là 3 bước chúng ta có thể làm theo để biến những khoảnh khắc nhục nhã thành cơ hội để lớn lên trong khiêm nhường.

1 Chấp nhận những bất toàn của con người bạn
Trớ trêu thay, một trong những lý do khiến chúng ta cảm thấy vô cùng nhục nhã là vì sự kiêu ngạo. Khi chúng ta hoạt động với ý thức rằng chúng ta có thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo, thì một cú vấp ngã đáng xấu hổ sẽ khó chịu đựng hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao bước đầu tiên để lớn lên trong sự khiêm nhường là chấp nhận và giữ lấy quan niệm rằng không phải lúc nào chúng ta cũng làm mọi việc một cách hoàn hảo.

Mắc những sai lầm là điều không thể tránh khỏi, nhưng những sai lầm đó có thể có được một mục đích thiêng liêng hữu ích. Chúng là những lời nhắc nhở nhỏ bé về khả năng có thể sai lầm của con người chúng ta. Những dịp xấu hổ giúp chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của suy nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn tự lập và có thể giải quyết mọi việc một cách hoàn hảo mà không cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

2 Quay về với Thiên Chúa để được giúp đỡ
Những sai lầm của bản thân tiết lộ cho chúng ta sự bất toàn của mình. Chúng ta có thể tức tối và gắt gỏng vì mình đã phạm sai lầm, trong trường hợp đó chúng ta sẽ không thấy được bất kỳ sự tiến bộ nào về mặt thiêng liêng… hay chúng ta có thể nhìn thấy những sai lầm của mình và nghĩ rằng, “Tôi vốn không hoàn hảo, nhưng Thiên Chúa thì có. Sai lầm này là một lời nhắc nhở hãy phó mình cho Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, thay vì lúc nào cũng cố gắng cậy dựa vào sức mình.”

Đó là lý do tại sao bước này còn thực sự là chìa khóa cho mọi điều khác. Nếu chúng ta có thể sử dụng những sai lầm của mình làm cơ hội để tiến đến gần Thiên Chúa và trông cậy vào lòng thương xót của Người hơn bao giờ hết, thì những thất bại nhỏ bé về mặt con người này sẽ trở thành những chiến thắng về mặt thiêng liêng.

3 Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho một cơ hội để lớn lên trong khiêm nhường
Chúng ta biết rằng sự xấu hổ là điều không thể tránh khỏi, và phản ứng của chúng ta mới là điều quan trọng: Chúng ta có thể phản ứng bằng lòng kiêu ngạo hay bằng sự chấp nhận. Vì vậy, đây là bước cuối cùng để chinh phục lòng kiêu ngạo và chấp nhận sự xấu hổ bằng ân sủng: Hãy tạ ơn Thiên Chúa về cơ hội nhỏ bé này để phó mình cho sức mạnh và lòng thương xót của Người.

Đây chắc chắn không phải là một điều dễ dàng để thực hiện! Việc này có lẽ cần đến thời gian và một sự nỗ lực thực sự của ý chí để tìm ra điều tốt đẹp trong một tình thế xấu hổ. Nhưng hãy ghi nhớ những gì Thánh Phanxicô Salêsiô đã từng viết:

Việc vui lòng trong lúc chịu sửa dạy và khiển trách cho thấy một người có lòng mến chuộng các nhân đức, là những gì trái ngược với những lỗi lầm mà vì chúng mà người đó mới bị sửa dạy và khiển trách. Và, do đó, nó là một dấu hiệu lớn lao của sự thăng tiến trong hoàn thiện.

Chúng ta có thể xem những lời của ngài như một sự khích lệ thánh thiện để lớn lên trong khiêm nhường từ những giây phút nhục nhã như thế.

Chúng ta càng thực hành nhiều lần việc chấp nhận những sai lầm có tính ân sủng này, thì chúng ta càng dễ dàng nhận được lợi ích từ chúng. Thực hành này giúp chúng ta lớn lên trong khiêm nhường.

Thánh Vinhsơn Phaolô đã từng nói: “Vũ khí mạnh nhất để chế ngự ma quỷ là sự khiêm nhường.” Chúng ta hãy củng cố thứ vũ khí thiêng liêng này nơi chính mình, nơi từng khoảnh khắc xấu hổ.

Tác giả: Theresa Civantos Barber
- Nguồn: aleteia.org (16/9/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
https://giaophanvinhlong.net/lam-the-nao-de-lon-len-trong-khiem-nhuong-khi-cam-thay-minh-bi-si-nhuc.html